Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng 16/4, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Như Ý
Cùng dự ở điểm cầu Trung ương có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú và một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu tỉnh Bình Dương; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các đồng chí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; các đồng chí báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện...
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dự Hội nghị tại điểm cầu Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội).
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội có Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Doãn Anh Thơ, Bùi Quốc Dũng, Trần Minh Khương; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ KTNN làm việc trên địa bàn Hà Nội, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy KTNN; báo cáo viên cấp Đảng ủy KTNN, Ủy viên BCH các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ KTNN có trụ sở trên địa bàn Hà Nội; ủy viên BCH các chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận, đảng bộ cơ sở trên địa bàn Hà Nội; lãnh đạo cấp vụ và tương đương tại các đơn vị có trụ sở trên địa bàn Hà Nội.
Tại các điểm cầu 13 khu vực có Ủy viên BCH Đảng bộ KTNN, lãnh đạo cấp vụ và tương đương tại các khu vực.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến hơn 21.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn quốc, với sự tham dự của hơn 1,5 triệu đại biểu; được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm lan tỏa mạnh mẽ các nội dung đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, có tính lịch sử
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII được tổ chức nhằm quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 11 ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề 1 tại Hội nghị. Ảnh: Như Ý
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chínhtrình bày Chuyên đề 1 “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”.
Thủ tướng cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị đã giao các tiểu ban của Đại hội XIV bổ sung, cập nhật, hoàn thiện dự thảo các văn kiện với nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung, với các quan điểm, mục tiêu mới và các giải pháp, nhiệm vụ mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Theo Thủ tướng, các dự thảo báo cáo đã được bổ sung, hoàn thiện theo hướng có tính cách mạng, hành động, chiến đấu, khả thi cao, ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời bảo đảm tính khái quát cao của Văn kiện Đại hội Đảng.
Thủ tướng cho biết, Dự thảo Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với truyền thống văn hóa - lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam, được vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam và bối cảnh thế giới.
Dự thảo Báo cáo rút ra được 5 bài học kinh nghiệm quan trọng, trong đó cần giữ vững đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, đoàn kết quốc tế; thế hệ sau tôn trọng thế hệ trước, những thành quả của thế hệ trước là tiền đề, là khởi tạo cho thế hệ sau, thế hệ sau tiếp nối, kế thừa, phát huy hiệu quả những thành quả của thế hệ trước; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
Trình bày về những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, Thủ tướng cho biết Trung ương thống nhất chủ đề Đại hội XIV là: "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; tự cường, tự tin, tiến mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội".
Đặc biệt, một điểm mới rất tích cực là trong quá trình hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV, những nội dung đã thấy đúng, sát thực tiễn, làm được ngay thì chúng ta làm ngay. Về bài học kinh nghiệm, Dự thảo nhấn mạnh cần giữ vững, phát huy các nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng; vai trò lãnh đạo của Đảng mang tính chất quyết định, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, nhân dân làm nên lịch sử.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày Chuyên đề 2 “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”. Ảnh: Như Ý
Về những điểm mới trong Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, Thủ tướng cho biết, Trung ương thống nhất bổ sung đánh giá, nhấn mạnh một số kết quả nổi bật. Theo đó, công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII được BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng đã thật sự đặt ở vị trí "then chốt", công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", với nhiều đổi mới về đánh giá cán bộ.
Trình bày Chuyên đề 2 “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội - cho biết, để đáp ứng yêu cầu nói trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung: Một là, các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9,10), để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Hai là, các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Doãn Anh Thơ, Bùi Quốc Dũng, Trần Minh Khương dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở KTNN - 116 Nguyễn Chánh. Ảnh: M. Thúy
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV. Vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ.
Về số lượng đại biểu Quốc hội, dự kiến là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%. Định hướng chung về cơ cấu là: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội.
Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Về tiêu chuẩn đại biểu, cơ bản như kỳ bầu cử trước, tuy nhiên, có điểm mới là: ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng - trình bày chuyên đề 3 “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” và Kế hoạch triển khai thực hiện.
Theo đó, tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương: về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương). Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi)…
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành Kế hoạch số 47 ngày 14/4 về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 02 cấp để việc thực hiện đúng tiến độ, đạt mục tiêu đề ra.
Tạo sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng, lan tỏa ra toàn xã hội

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Như Ý
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư cho biết, trên cơ sở sự thống nhất tuyệt đối, tại Hội nghị lần thứ 11, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung vào hai nhóm vấn đề về tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. “Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều là những vấn đề trọng tâm, cấp bách phải tập trung thực hiện ngay sau Hội nghị này và đến hết năm 2025”, Tổng Bí thư nói.
Trong bối cảnh cùng lúc phải triển khai khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ và để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, cần xác định đây là một cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước.
“Các cấp ủy tổ chức Đảng, người đứng đầu phải sâu sát quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ đảng viên nhận thức đầy đủ sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức tư tưởng trong toàn đảng, lan tỏa ra toàn xã hội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu định hướng mà Trung ương đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các tinh thần của các công việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài" phối hợp đồng bộ nhịp nhàng chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau, không được có tư tưởng “quyền anh, quyền tôi”, địa phương này, địa phương kia tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân yêu cầu” - Tổng Bí thư đề nghị.
Các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai các công việc trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan và phải thực hiện đúng các quy trình, thủ tục theo quy định, “không làm tắt, làm ẩu, làm qua loa, đại khái bất cứ công việc nào”. Đặc biệt, cần bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, bảo đảm các công việc được thực hiện đúng tiến độ thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở KTNN - 116 Nguyễn Chánh. Ảnh: M. Thúy
Về thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, triển khai thực hiện chủ trương này sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng lưu ý các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị; phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập; phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất; nhân sự đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã; nhân sự Đại hội XIV của Đảng; nhân sự bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
“Công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV của Đảng phải hội tụ “đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng” để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất là trách nhiệm của Ban Thường vụ cấp ủy theo phân cấp, phải bàn bạc, thống nhất để bố trí “đúng người, đúng việc” theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Về văn kiện đại hội đảng các cấp, Tổng Bí thư yêu cầu, các tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn kiện của cấp mình, phải hoàn thành dự thảo trước ngày 30/6/2025 (bao gồm cả đối với các tỉnh sau khi sáp nhập).
Nhấn mạnh công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam./.