Tinh gọn bộ máy: Quyết liệt trong sắp xếp bộ máy, giữ chân người tài

Ngày 18/4, các Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương và Nguyễn Đức Hải đã làm việc, tiếp xúc cử tri tại Quảng Ngãi và Quảng Nam trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Chỉ đạo điều hành tài chính ngân sách để không bị ách tắc

Tại Quảng Ngãi, báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cho biết, tình hình kinh tế, xã hội quý I của tỉnh có nhiều khởi sắc GRDP đạt 8,07%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 17%; thu ngân sách tỉnh tăng 2,3%...

Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 8,5% trở lên. Hiện, Quảng Ngãi có một số ngành kinh tế chủ lực, đó là nhà máy lọc dầu và nhà máy thép. Ngoài ra, tỉnh đang tìm kiếm các ngành công nghiệp mới để mở rộng không gian phát triển.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã nêu các kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân cho biết, địa phương đang phối hợp với Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Xây dựng) rà soát, đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum với tổng chiều dài khoảng 136km. Đây là tuyến cao tốc trục Đông - Tây có địa hình phức tạp, khó khăn về giải pháp, kỹ thuật nhưng cũng có thuận lợi là ít phải đề bù giải phóng mặt bằng.

Sau khi khảo sát, Ban Quản lý Dự án 85 cho biết, dự kiến kinh phí thực hiện dự án trên 36.000 tỷ đồng. Để dự án được triển khai thuận lợi, Quảng Ngãi kiến nghị Quốc hội hỗ trợ Bộ Xây dựng, Ban Quản lý Dự án 85 và tỉnh cơ chế chính sách đặc thù, cơ chế chỉ định thầu để rút ngắn thời gian đầu tư, hoàn thành sớm đưa tuyến giao thông quan trọng này vào khai thác góp phần kết nối trục Đông Tây, phục vụ việc đi lại thuận lợi của người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi Phạm Hữu Thịnh kiến nghị trong bối cảnh các đơn vị đang triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thống nhất cơ chế chỉ đạo điều hành tài chính ngân sách để không bị ách tắc, nhất là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Quảng Ngãi thành lập đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với tỷ lệ phù hợp, khoa học, có tính kế thừa truyền thống, gắn với các địa danh lịch sử, văn hóa, phù hợp tình hình địa phương; đề nghị tỉnh triển khai quyết liệt các nhiệm vụ sắp xếp bộ máy, chủ động sắp xếp cán bộ giữ chân người tài.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cùng với việc sắp xếp bộ máy, Quảng Ngãi cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm lớn trong năm 2025.

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang, thông tin đến cử tri nội dung chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Cử tri lực lượng vũ trang Quảng Ngãi kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng sớm có quy định mẫu biên chế mới khi sắp xếp Ban Chỉ huy Quân sự huyện, xã để Bộ Chỉ huy Quân sự lãnh đạo, chỉ đạo việc bố trí sắp xếp đúng theo chức năng, nhiệm vụ của quân đội; quan tâm chế độ chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp chịu tác động từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy...

Nghiên cứu có chế độ hỗ trợ cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, khóa XV. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, khóa XV. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Tại các buổi tiếp xúc ở thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ, cử tri Quảng Nam bày tỏ phấn khởi về tình hình phát triển của đất nước, của tỉnh trong những tháng đầu năm 2025; đặc biệt là chăm lo tốt công tác an sinh xã hội cho người dân như xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo; chính sách đối với người có công, miễn học phí...

Cử tri ủng hộ cao đối với chủ trương hợp nhất cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, cử tri tán thành và ủng hộ phương án hợp nhất tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng để tranh thủ các nguồn lực phát triển trong giai đoạn mới.

Nhiều cử tri cũng nêu tâm tư khi tên gọi Quảng Nam sẽ không còn nữa. Trong tâm khảm của cử tri, Quảng Nam gắn với danh xưng đã hơn 550 năm, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng; cùng với Hải Phòng, Quảng Nam được Bác Hồ tặng Tám chữ vàng "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".

Cử tri kiến nghị Trung ương nghiên cứu có chế độ hỗ trợ cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã; người lao động các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức chính trị - xã hội bị tác động, nghỉ thôi việc do thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính…

Tại các buổi tiếp xúc, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ đã trao đổi, giải đáp những vấn đề liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị nhiều ý kiến đến Quốc hội. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị nhiều ý kiến đến Quốc hội. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát kết quả giải quyết các nội dung được cử tri phản ánh, kiến nghị tại buổi tiếp xúc; có báo cáo đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát, trả lời cử tri.

Trao đổi làm rõ thêm các vấn đề cử tri địa phương quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn cử tri Quảng Nam tiếp tục ủng hộ các chủ trương lớn của Trung ương, nhất là trong bối cảnh thực hiện hợp nhất cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã hiện nay, hướng tới mục tiêu giảm quy mô tổ chức bộ máy nhà nước, tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu quả hơn.

Gắn với cải cách hoàn thiện cơ chế chính sách đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ nhằm tạo ra bước đột phá để đưa đất nước vươn mình, tạo sự bứt phá để đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Liên quan đến chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đối với băn khoăn về tên gọi khi hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, vấn đề đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập được Trung ương tính toán, cân nhắc rất kỹ và thảo luận thống nhất bằng Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, khóa XV. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, khóa XV. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, văn hóa truyền thống của xứ Quảng vẫn còn, không thể mất đi do sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Dẫu không còn tên tỉnh Quảng Nam, các thế hệ kế cận có nhiệm vụ giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng trong giai đoạn mới.

Với các chia sẻ liên quan, ghi nhận tâm tư, tình cảm của cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn cử tri tiếp tục ủng hộ chủ trương lớn của Trung ương về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo ông, vấn đề là phải làm sao để hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng hợp nhất lại phải phát triển mạnh hơn; chăm lo tốt việc sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy, tư tưởng, không để quá xáo trộn, chăm lo thực hiện tốt chế độ chính sách cho các đối tượng bị tác động; giải quyết tốt công việc của dân…

Phạm Cường - Trần Tĩnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-quyet-liet-trong-sap-xep-bo-may-giu-chan-nguoi-tai-20250418204330440.htm