Quan trọng nhất là nguồn vốn

ĐBP - Giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương liên tục không hoàn thành kế hoạch trồng rừng phòng hộ theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao hàng năm. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục giao chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ với tổng diện tích 150ha. Ðể hoàn thành kế hoạch, các đơn vị được giao thực hiện cho rằng, quan trọng nhất vẫn là có đủ vốn và nguồn vốn phải được phân bổ sớm để triển khai trồng rừng đúng thời vụ.

Người dân xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) trồng rừng phòng hộ. Ảnh: Phạm Trung

Năm 2021, trên cơ sở rà soát, đăng ký của các huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng mới 150ha rừng phòng hộ, trong đó: Huyện Ðiện Biên 20ha; huyện Tuần Giáo 45ha; huyện Mường Chà 35ha và huyện Mường Ảng 50ha.

Giai đoạn 2016 - 2020, các dự án trồng rừng phòng hộ luôn trong tình trạng thiếu vốn hoặc nguồn vốn phân bổ quá chậm khiến các đơn vị không kịp triển khai trồng rừng đúng mùa vụ. Năm 2020, các đơn vị được giao trồng rừng phòng hộ chỉ thực hiện được 21,3ha (đạt 42,6% kế hoạch).

Trao đổi về vấn đến này, bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðể hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2021, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn vốn. Theo Báo cáo số 335/BC-UBND ngày 23/10/2020 của UBND tỉnh về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021, tổng nguồn vốn thực hiện các dự án Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2021 của tỉnh là 10 tỷ đồng. Như vậy, năm 2021 tỉnh ta hoàn toàn có thể hoàn thành 100% kế hoạch trồng rừng. Sau khi UBND tỉnh giao chỉ tiêu, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đôn đốc các đơn vị triển khai công tác chuẩn bị cho mùa trồng rừng năm 2021.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Ðiện Biên là đơn vị được UBND huyện Ðiện Biên giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án trồng rừng phòng hộ theo kế hoạch hàng năm. Trao đổi về việc thực hiện kế hoạch năm 2021, ông Bùi Nam Thái, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Ðiện Biên cho biết: Nếu nguồn vốn cung ứng kịp thời chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành 100% kế hoạch giao. Hiện nay, qua khảo sát một số xã như: Mường Pồn, Mường Nhà, Phu Luông, Mường Lói, người dân vẫn mong muốn tham gia trồng rừng phòng hộ. Do đó, công tác chuẩn bị đất trồng rừng không còn là vấn đề đáng ngại. Nếu chắc chắn có vốn, chúng tôi sẽ vận động người dân tham gia trồng rừng, đồng thời giải thích rõ nguồn vốn có thể phân bổ muộn dẫn đến việc thanh toán tiền cho người dân muộn, nhưng phải đảm bảo có để người dân yên tâm tham gia dự án. Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn trồng rừng thường phân bổ chậm nên có những dự án hoàn thành gần 2 năm sau mới có vốn.

Năm 2021, huyện Tuần Giáo được giao trồng mới 45ha rừng phòng hộ. Ðơn vị được UBND huyện giao thực hiện các dự án trồng rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo. Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Ðảm bảo nguồn vốn để trồng rừng quan trọng nhưng thời điểm phân bổ vốn càng quan trọng hơn. Nếu nguồn vốn được phân bổ sớm, các dự án trồng rừng triển khai đúng thời vụ. Dự án kết thúc, đơn vị có tiền thanh toán cho người dân. Nếu nguồn vốn phân bổ quá muộn, đơn vị rất khó triển khai thực hiện. Ðiển hình như năm 2018, các dự án trồng rừng kết thúc trong năm nhưng mãi đến 2 năm sau nguồn vốn mới phân bổ để chi trả cho người dân. Thiếu vốn, chậm chi trả tiền trồng rừng nên người dân không còn tin tưởng, không mặn mà trong công tác trồng rừng dẫn đến việc tổ chức vận động người dân trồng rừng những năm tiếp theo rất khó khăn. Năm 2021, Ban vẫn triển khai hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, nếu có vốn phân bổ trong năm kế hoạch thì sẽ triển khai trồng rừng.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Hệ lụy việc chậm chi trả tiền cho người dân từ năm 2018 đã ảnh hưởng xấu đến việc triển khai kế hoạch những năm tiếp theo. Hiện nay, công tác vận động người dân tham gia trồng rừng phòng hộ rất khó. Bởi vì, người dân có xu hướng thích tham gia các dự án trồng rừng thay thế vì có suất đầu tư cao (97 triệu đồng/ha) trong khi suất đầu tư dự án trồng rừng phòng hộ chỉ 40 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, trồng rừng thay thế, kết thúc dự án là có tiền thanh toán cho người dân ngay. Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo nguồn vốn và thời điểm phân bổ vốn sớm đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm 2021.

Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183425/quan-trong-nhat-la-nguon-von