Quân và dân Yên Châu góp sức cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
70 năm trôi qua nhân dân các dân tộc Yên Châu luôn tự hào về những đóng góp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu', kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Châu còn 28 cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từng tham gia chiến dịch. Những cựu chiến binh vẫn luôn nhớ về một thời hào hùng góp sức cùng quân và dân cả nước, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Là một trong số những người con của quê hương Yên Châu tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Quàng Văn Mủa, bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hồi ức về những lần tham gia chiến đấu vẫn in đậm trong tâm trí. Theo lời ông kể, ngày 17/1/1954, ông tình nguyện tham gia Trung đoàn E406 thuộc Quân khu Tây Bắc. Tham gia đánh Pháp, đơn vị ông nhận nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị chủ lực là các Đại đoàn: 308, 312, 316 và 11 đại đội địa phương ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu chuẩn bị liên kết sẵn sàng chiến đấu.
Ông Quàng Văn Mủa xúc động kể: Tháng 2/1954, đơn vị cắm chốt ở Hát Lót, Cò Nòi, huyện Mai Sơn; đến tháng 3/1954 nhận nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường từ Cao Đa lên bến phà Tạ Khoa, đèo Chẹn và ngã ba Cò Nòi, đảm bảo an toàn cho các đơn vị chủ lực hành quân và xe kéo pháo lên Điện Biên. Lúc này, địch dùng các loại bom thả xuống ngã ba Cò Nòi bất kể ngày lẫn đêm. Hơn hai tháng trời, đơn vị phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong cuốc đất mở đường cả ngày lẫn đêm, từng phút, từng giờ bám sát theo dõi máy bay địch. Nhận lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, đơn vị được giao nhiệm vụ chặn đường rút lui của địch từ Điện Biên Phủ qua Lào, chúng tôi cấp tốc rút quân từ Cao Đa, bến phà Tạ Khoa và đèo Chẹn sang chặn con đường từ Sốp Đung (Lào) sang Nà Cài, Nà Đít của huyện Yên Châu. Mặc dù không trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng nhiệm vụ của chúng tôi đã góp phần ổn định hậu phương, giúp tuyến đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược luôn được thông suốt, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, địa bàn huyện Yên Châu có vị trí chiến lược quan trọng, thường xuyên bị địch ở Nà Sản (Mai Sơn) uy hiếp. Đầu năm 1953, chúng chiếm lại Chiềng Đông và dọc đường 41 (nay là quốc lộ 6) từ Chiềng Đông đến huyện lỵ. Cao điểm, từ cuối tháng 1 đến tháng 12/1953, địch cho các tiểu đoàn, đại đội xuống đóng quân ở các xã Chiềng Pằn, Chiềng Khoi, Viêng Lán. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân vùng căn cứ du kích, khu tranh đấu đã phải rời bỏ bản mường vào sâu trong rừng lập lán để ở; nhà cửa bị địch càn quét, đốt phá, nên bị hư hỏng nhiều, ruộng, nương bị bỏ hoang, nạn đói diễn ra thường xuyên.
Mặc dù bị địch liên tục tấn công, uy hiếp, song nhân dân huyện Yên Châu vẫn tích cực khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, hăng hái tham gia cùng với lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt các toán biệt kích gián điệp do địch tung vào hoạt động phá hoại, truy lùng những tên Việt gian phản động là tay sai của Pháp. Trong năm 1953, toàn huyện bắt và diệt 6 tên biệt kích, do thám; bắt sống 98 tên phản động và đẩy bọn địch ra khỏi các vị trí đã chiếm đóng và phải rút về Nà Sản.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, Ban Cán sự Đảng và nhân dân Yên Châu đã tập trung mọi cố gắng, huy động cao nhất sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, với hơn 300 tấn lương thực, 16 tấn thực phẩm được gửi tới chiến trường, hàng nghìn con em các dân tộc lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Trên mặt trận giao thông vận tải, cùng với lực lượng công binh, thanh niên xung phong và dân công từ miền xuôi lên, nhân dân các dân tộc Yên Châu không quản ngại hy sinh, vượt mọi khó khăn gian khổ, hăng hái xây dựng các tuyến đường 13 (nay là quốc lộ 37), đường số 41 (nay là quốc lộ 6) để phục vụ chiến dịch. Đèo Chẹn là cứ điểm bị bom đạn bắn phá ác liệt nhất, đội cảm tử của huyện cùng đoàn dân công Tạ Khoa, Mai Sơn ngày đêm phải bám đường, phá bom nổ chậm, sửa đường kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt cho bộ đội hành quân lên Điện Biên Phủ.
Trong suốt chặng đường 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) đầy gian khổ và hy sinh, mất mát của nhân dân các dân tộc Yên Châu, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, Ban Cán sự đảng Yên Châu phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, đặc biệt là sự đoàn kết gắn bó giữa đội ngũ cán bộ từ nơi khác đến với đội ngũ cán bộ người địa phương trong những năm tháng hoạt động bí mật, gây dựng cơ sở địch hậu, tạo nên sức mạnh to lớn để làm nên chiến thắng. Mặc dù phải chiến đấu trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, bị địch kiểm soát và khủng bố ác liệt, nhưng được nhân dân hết lòng yêu thương, đùm bọc, bí mật nuôi giấu và che chở, các cán bộ của Đảng đã bí mật xây dựng phong trào ngay trong lòng địch. Nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân du kích, đồng bào các dân tộc huyện Yên Châu đã anh dũng hy sinh, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng.
Ghi nhận những đóng góp của nhân dân các dân tộc ở Yên Châu, năm 1954, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì cho huyện. Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Châu ra sức thi đua, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.