Quan Vũ từng định giết Tào Tháo
Quan Vũ từng nói: 'Ta biết Tào công đãi ta rất hậu, nhưng ta chịu ơn của Lưu tướng quân, đã thề cùng sống chết, không thể bội nghĩa được. Ta sẽ lập công để báo đáp Tào công'.
Hoa Dương quốc chí - Lưu Tiên chủ chí viết: Năm Kiến An thứ 5 (200), Tào công đông chinh Tiên chủ. Tiên chủ thua trận, vợ con Tiên chủ và Quan Vũ bị bắt. Tào công khen Vũ dũng mãnh, phong làm Thiên tướng quân. Trước kia, Vũ theo Tiên chủ cùng Tào công vây Lã Bố ở Bộc Dương, bấy giờ Tần Nghi Lộc giúp Bố cầu cứu với Trương Dương.
Vũ thưa với Tào công rằng: “Vợ tôi không có con, hạ được thành rồi, xin cho tôi nạp vợ Nghi Lộc”. Tào công bằng lòng. Kịp khi đến cửa thành, (Vũ) lại bẩm. Tào công ngờ rằng (vợ Nghi Lộc) có nhan sắc, bèn nạp lấy cho mình. Sau, Tiên chủ cùng Tào công đi săn, Vũ định trong khi đi săn giết chết Tào công, nhưng Tiên chủ vì thiên hạ mà lấy làm tiếc, không nghe. Bởi thế, nên Vũ thường lo sợ.
Tào công thấy thần sắc Vũ bất an, sai tướng quân Trương Liêu đem sự tình mà hỏi. Vũ than rằng: “Ta biết Tào công đãi ta rất hậu, nhưng ta chịu ơn của Lưu tướng quân, đã thề cùng sống chết, không thể bội nghĩa được. Ta sẽ lập công để báo đáp Tào công”. Tào công nghe thấy vậy khen là có nghĩa.
Xét, Quan Vũ là kẻ tráng sĩ, thề cùng sống chết với Lưu Bị không chịu bội nghĩa, đó là tâm nguyện từ trước vậy, nhưng nói lo sợ bất an, thì lại dường như vì cớ khi xưa xin lấy vợ của Tần Nghi Lộc mà Tào công lại tự nạp làm của mình, và Vũ từng định giết Tào công.
Tam Quốc chí - Quan Vũ truyện không ghi chép đến chuyện này, thì tình tiết còn sơ lược thiếu sót. Lời chú thích dẫn Thục ký câu chuyện cũng gần giống với Hoa Dương quốc chí, nhưng chỉ nói Tào công giữ vợ của Tần Nghi Lộc lại, khiến Vũ trong lòng không thể tự an được, chứ không nói Vũ vì định giết Tào công nên lo sợ, tình tiết cũng là chưa đầy đủ.
Quan Vũ vì lúc đầu muốn lấy vợ của Tần Nghi Lộc, mà phải lo sợ, rõ ràng không nặng nề bằng vì từng định giết Tào công vậy. Nhưng nói: “Trong lúc đi săn, mọi người tản hết, Vũ khuyên Bị giết Tào công”. Mấy chữ “mọi người tản hết” lại có thể bổ sung cho chỗ còn thiếu của Thường Cừ. Mới hay, người xưa chép chuyện, phần đa không quá kỹ lưỡng, muốn tìm ra chân tướng của một việc, nếu chẳng hiệu khám qua lại lẫn nhau thì không thể được.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-vu-tung-dinh-giet-tao-thao-post1439405.html