Quân y Tây Nguyên-B3: Một thời để nhớ
50 năm đã trôi qua, những kỷ niệm chiến đấu, công tác, phục vụ thương bệnh binh ở chiến trường vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức các cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên, chiến sĩ quân y Tây Nguyên-B3 (Quân đoàn 3).
Sáng 26-3, tại Hà Nội, Ban liên lạc đồng đội quân y Tây Nguyên tổ chức gặp mặt truyền thống lần thứ 35. Dự gặp mặt có các tướng lĩnh, sĩ quan, y, bác sĩ và các thế hệ quân y Tây Nguyên-B3 (Quân đoàn 3) qua các thời kỳ.

Trung tướng Tiêu Văn Mẫn (thứ hai, từ trái sang), nguyên Chính ủy Quân khu 5, nguyên Chính ủy Viện 211 và các đồng đội Quân y Tây Nguyên-B3.
Theo Trung tướng, Tiến sĩ Đinh Ngọc Duy, Trưởng ban liên lạc, sau khi Mặt trận Tây Nguyên B3 được thành lập, cuối năm 1964, đầu năm 1965, những đơn vị chủ lực đầu tiên của B3 có mặt ở chiến trường, các cán bộ quân y và phân đội quân y đầu tiên của Tây Nguyên cũng đồng thời được đưa vào chiến trường. Đó là Đội phẫu thuật 30 người do bác sĩ Nguyễn Xuân Bền làm đội trưởng, Tiểu đoàn Quân y Sư đoàn 325 do bác sĩ Trịnh Văn Luận chỉ huy. Tiếp sau đó là các Viện 1, Viện 2, Viện 3, Viện 4, Viện 211... lần lượt ra đời. đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chiến trường.

Trung tướng Đinh Ngọc Duy, Trưởng ban liên lạc phát biểu tại chương trình.

Các đại biểu tham dự gặp mặt.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Hà Công Chứ, 92 tuổi (ở Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Năm 1965, từ Quân y viện 108, tôi cùng các y, bác sĩ vào công tác tại Viện 211. Khi chuẩn bị vào chiến trường, cấp trên đã xác định Viện 211 là viện tuyến cuối ở chiến trường, nên đoàn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện y tế hiện đại. Thế nhưng, ngay trên đường hành quân, trước sự đánh phá của địch, rất ít phương tiện vào được đến nơi. Điều kiện thiếu thốn, phương tiện không đầy đủ, chúng tôi phải sử dụng các trang bị tại chỗ cũng như phát huy sáng kiến, sáng tạo tại chiến trường để cứu chữa thương, bệnh binh”.

Ông Hà Công Chứ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm công tác ở chiến trường.
Giữa muôn vàn khó khăn, thử thách, ông Hà Công Chứ và đồng đội đã vượt qua bằng ý chí cũng như khả năng sáng tạo tuyệt vời, làm dụng cụ y tế như: Panh, kìm, nẹp cố định… từ vỏ pháo sáng; bệnh án thì viết vào máng cây tre, cây bương… Sinh hoạt thì vô cùng gian khổ, không đủ gạo nên phải tự tăng gia sản xuất, kiếm rau rừng, măng rừng, săn bắt thú rừng... để bổ sung vào bữa ăn.
Với các nữ quân y thì cuộc sống ở chiến trường còn vất vả, gian khổ hơn nhiều lần. Điều kiện vệ sinh, sinh hoạt thiếu thốn, sốt rét triền miên khiến họ gầy rộc, sức khỏe suy giảm, nhưng không vì thế họ phai nhạt đi ý chí công tác cũng như tấm lòng, tình cảm với các thương, bệnh binh, đó là những chia sẻ của y tá Trần Thị Hoa (ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) và y sĩ Nguyễn Thị Thu Ngà (ở Đống Đa, Hà Nội) cùng công tác ở Đội điều trị 25 khi ấy.

Bà Trần Thị Hoa và bà Nguyễn Thị Thu Ngà tại buổi gặp mặt.
“Khi bước vào chiến dịch, có ngày có hàng trăm thương binh được đưa về Đội điều trị. Khi ấy, các y, bác sĩ chúng tôi phải căng mình ra phục vụ bệnh nhân. Có những lúc vô cùng mệt mỏi vì cả ngày đêm không ngủ nghỉ, nhưng chúng tôi đều tự nhủ mình chỉ cần cố gắng một chút là sẽ cứu sống, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe của thương, bệnh binh”, bà Trần Thị Hoa cho biết.
Bên cạnh đó, khi gặp địch, họ cũng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ thương, bệnh binh. Như trận ngày 21-4-1969, địch thả biệt kích xuống khu vực Viện 211, các tổ chiến đấu của Viện, dưới sự chỉ huy của Chính ủy Lê Quốc Toản, đã chiến đấu anh dũng, bắn rơi một máy bay HU1E, tiêu diệt phi công. Dù phải chịu những tổn thương, mất mát khi y tá Phương Như và một nhân viên Xưởng Dược hy sinh, 10 cán bộ, nhân viên của Viện bị thương, nhưng hơn 1.000 thương binh đang điều trị tại Viện đã được bảo vệ an toàn.

Tiết mục văn nghệ tại buổi gặp mặt.
Bám sát bộ đội, theo sát chiến trường, vượt qua muôn vàn cam go, thử thách ác liệt của chiến tranh, thiếu cơm, nhạt muối, bệnh tật, quân y Tây Nguyên đã bền gan vững chí, vượt khó sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
10 năm trụ bám chiến trường, từ năm 1965 đến Đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước, quân y Tây Nguyên đã cứu chữa 4,5 vạn thương binh, 15 vạn bệnh binh, hạ tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính từ trên 20% xuống dưới 10%. Hệ thống quân y được tổ chức nền nếp, theo khu vực, công tác đào tạo, nghiên cứu rút kinh nghiệm cứu chữa thương, bệnh binh được đẩy mạnh, đã góp phần xây dựng lý luận y học quân sự. Đã có hàng loạt sáng kiến, phát minh được ra đời, nâng cao hiệu quả điều trị.
Kể từ lần gặp mặt đầu tiên vào tháng 12-1987, đến nay, Ban liên lạc đồng đội quân y Tây Nguyên đã trở thành nơi gắn bó nghĩa tình, động viên, thăm hỏi khi ốm đau, giúp nhau khi cần thiết, tình nghĩa lúc qua đời. Bên cạnh đó, Ban liên lạc đã tích cực sưu tập, lựa chọn, xuất bản 4 tập sách “Ký ức Quân y Tây Nguyên-B3-Quân đoàn 3” với độ dày hơn 1.000 trang, làm tài liệu giáo dục truyền thống đến thế hệ trẻ.
“Nhiều năm qua, đã có nhiều đồng chí tích cực đi tìm đồng đội, góp phần đưa liệt sĩ về quê hương. Nhìn lại 35 lần gặp mặt, trong niềm vui vì đồng đội vẫn sống vui khỏe, có ích, chúng ta nguyện tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, là tấm gương cho các thế hệ con cháu noi theo”, Trung tướng Đinh Ngọc Duy nhấn mạnh.