Quảng bá cổ phục Việt
Thời gian gần đây, cổ phục Việt đang được quan tâm và hồi sinh qua các lễ hội và nhiều hoạt động sự kiện văn hóa. Đáng chú ý, những người trẻ cũng đang nỗ lực tìm cách lan tỏa với quan niệm để di sản văn hóa này 'sống' được thì người dân và du khách phải hiểu được giá trị của cổ phục.
Sáng tạo để bảo tồn
Cổ phục là nét đẹp văn hóa truyền thống, đã và đang được chú trọng phục dựng, nghiên cứu, ứng dụng khá rộng rãi trong đời sống hiện đại. Mới đây, tại Festival Ninh Bình lần thứ 3, hoạt động trình diễn cổ phục Việt là một điểm nhấn đặc biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách.
Theo chuyên gia cố vấn trang phục Nguyễn Đức Lộc, các trang phục thời Đinh, Tiền Lê, Lý, hay của các cố đô Thăng Long, Huế trình diễn tại đêm Khai mạc Festival đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, khảo cứu từ nhiều năm, đảm bảo giá trị văn hóa lịch sử đồng thời phù hợp yếu tố sân khấu.
Trước đó, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, nhiều người đã có cơ hội chiêm ngưỡng một Hà Nội rực rỡ và sôi động với sự kiện diễu hành cổ phục "Bách hoa bộ hành 2024". Hơn 500 người mặc những bộ cổ phục Việt Nam truyền thống, tái hiện hình ảnh các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn cùng nhau diễu hành qua các tuyến phố cổ. Các tuyến phố quen thuộc bỗng trở thành các sàn diễn nghệ thuật ngoài trời, tạo nên một không gian đậm chất văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.
Theo đánh giá của một số chuyên gia văn hóa, đây không chỉ là màn trình diễn cổ phục mà còn là hành trình khám phá, tìm hiểu về lịch sử, nghệ thuật dân tộc, khẳng định niềm tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam.
Có thể thấy, thời gian qua, nhiều nhóm bạn trẻ bằng sự đam mê văn hóa Việt đã cùng nhau gìn giữ, phục hồi những tinh hoa cổ phục. Như nhóm Hoa Lư Legacy đã phục dựng các bộ cổ phục với hình dáng, màu sắc, họa tiết mang đặc trưng của thế kỷ thứ X, kết hợp hài hòa cùng phụ kiện, trang sức… giúp du khách có thể nhìn nhận đầy đủ hơn về một thời kỳ vàng son của dân tộc Việt.
Bà Trịnh Thị Lý, thành viên nhóm Hoa Lư Legacy bày tỏ, cổ phục Việt Nam là di sản quý, chứa đựng hồn cốt của dân tộc từ ngàn đời vì vậy rất cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy để thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn truyền thống văn hóa của đất nước mình.
Cũng chung tình yêu cổ phục Việt, các nhóm Đông Phong, Thủy Trung Nguyệt... thường mở những sự kiện mặc thử cổ phục và tổ chức cuộc thi liên quan đến cổ phục Việt. Đông Phong thường xuyên xuất hiện tại những lễ hội văn hóa, hội chợ văn hóa dưới hình thức gian hàng trải nghiệm cổ phục như sự kiện: Hanoi GiftShow, Hội chợ 60s Thổ Quan - Trở về, Bách niên phục sức, Tết Craft Playgrounds, Đánh thức Tết, “Ơ kìa! Cổ phục Việt”, cuộc thi ảnh “Cùng Việt phục đến trường”… thu hút rất đông các bạn trẻ.
Hay tổ chức Vietnam Centre có những thế mạnh khác biệt. Với mục đích hoạt động là vì quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nên trong các dự án của Vietnam Centre luôn tồn tại song song các yếu tố bảo tồn, quảng bá và phát huy. Cụ thể là chuỗi hoạt động của dự án “Dệt nên Triều đại ”. Đây là dự án tái hiện nghi lễ và trang phục cung đình của nước Đại Việt thời đầu Lê Sơ, năm 1437-1471. Các hoạt động: Tái hiện nghi lễ và trang phục “Nghi lễ Sắc phong Hoàng thái hậu thời Lê”, xuất bản sách “Dệt nên triều đại”...
Và không thể không nhắc tới câu lạc bộ Đình làng Việt được thành lập năm 2014, tới nay số thành viên lên tới 19.000 người. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều thành viên hiện sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Đức… Nhà nghiên cứu căn hóa Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, mục đích chính ban đầu là trao đổi thông tin, nghiên cứu kiến trúc đình làng nhưng sau khi nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống của mọi người tăng lên, các hoạt động của câu lạc bộ ngày càng mở rộng.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Được biết đến với các dự án nghiên cứu, vẽ trang phục thời Nguyễn, họa sĩ thiết kế đồ họa Nguyễn Quốc Trí chia sẻ: Cổ phục Việt là sự phát triển lâu dài, không phải trào lưu. Ở Trung Quốc, Nhật Bản vẫn duy trì các hoạt động giữ gìn trang phục truyền thống, từ phim ảnh đến du lịch... Như tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này đã triển khai dự án "Đồng phục Hanbok trong trường học" để hồi sinh trang phục truyền thống thông qua hoạt động thường ngày.
“Cổ phục Việt cần được ứng dụng rộng rãi, được hồi sinh trong đời sống đương đại một cách sâu rộng và thường xuyên hơn” – họa sĩ Quốc Trí chia sẻ.
Còn theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cổ phục đang lan tỏa mạnh mẽ, mà Huế là một địa phương tiêu biểu. Đặc biệt chiếc áo Tấc là một loại trang phục đặc thù của thời Nguyễn, có lịch sử hình thành khoảng trên dưới 300 năm. Thế nhưng, áo Tấc cũng dần biến mất trong đời sống thường ngày, chỉ còn được sử dụng trong nghi lễ tế tự của một số địa phương, đặc biệt là ở Huế.
“Thật mừng là thời gian gần đây chiếc áo Tấc đã xuất hiện trở lại ở rất nhiều nơi, không chỉ trong các nghi thức, lễ hội truyền thống mà còn trên nhiều diễn đàn của các hội, nhóm yêu mến cổ phục dân tộc. Việc các đạo diễn đưa áo Tấc vào phim cổ trang, các diễn viên, người mẫu sử dụng trọng các clip, MV ca nhạc... đã góp phần quảng bá mạnh mẽ vẻ đẹp của loại trang phục này đến với công chúng trong và ngoài nước”- ông Hải chia sẻ.
Tại cố đô Huế, nhiều địa chỉ chuyên may, cho thuê các loại cổ phục trong đó có các loại áo Tấc nam, nữ đã trở nên rất quen thuộc đối với các đơn vị du lịch lữ hành, cộng đồng hướng dẫn viên và du khách. Người ta giới thiệu về Huế và không quên giới thiệu về những loại áo Tấc, như một nét văn hóa rất Huế.
Không chỉ xuất hiện trong các vở kịch sân khấu, bộ phim cổ trang, cổ phục Việt giờ đây đã chạm vào đời sống thường ngày, nhờ sợi dây kết nối của những người đang ngày đêm mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Mới đây, tại không gian trang trọng của Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, hoạt động trình diễn cổ phục thời Đinh - Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhiều du khách quốc tế. Dựa trên việc nghiên cứu tư liệu lịch sử, nhóm Hoa Lư Legacy đã phục dựng các bộ cổ phục mang đặc trưng của thế kỷ X, qua đó giúp du khách có thể nhìn nhận đầy đủ hơn về một thời kỳ vàng son của dân tộc Việt.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-ba-co-phuc-viet-10298199.html