Quảng bá, tôn vinh hạt cà phê Việt
Từ loài cây cà phê xóa đói giảm nghèo, cà phê đã giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực, mang lại thu nhập kinh tế và thúc đẩy phát triển thương mạimiền núi cho người dân tại tỉnh Sơn La
Xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.300m so với mực nước biển. Nơi đây được ví như "thủ phủ" trồng cà phê của tỉnh Sơn La. Đóng góp vào sự phải triển lớn mạnh của thương hiệu cà phê nơi đây có sự đóng góp của những người phụ nữ Thái năng động, dám học hỏi, dám quyết tâm đổi thay để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sinh ra và lớn lên ở Chiềng Chung, chị Cầm Thị Mòn gắn bó với cây cà phê từ tấm bé và chị nhận thấy, theo cách sản xuất truyền thống, không có kiến thức, kỹ năng, nên khi thu hoạch, những người nông dân chưa biết lựa chọn những quả chín, mà hái hết cả quả xanh. Những năm được mùa thì lại bị tư thương ép giá. Người trồng cà phê chỉ biết hái cà phê xô để bán tươi hoặc phơi khô bán. Từ đó, chị luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất ra những sản phẩm cà phê có chất lượng được thị trường trong nước biết đến và tiến tới có thể xuất khẩu. Tháng 6/2020, Hợp tác xã (HTX) Ara-Tay Coffee ra đời với sự tham gia của 14 hộ gia do chị Cầm Thị Mòn là giám đốc.
Bà con tham gia HTX được thuyết phục, hướng dẫn làm quen với cách sản xuất cà phê theo kiểu mới đảm bảo chất lượng. Các thành viên phải trải qua chương trình tập huấn như kỹ năng canh tác theo tiêu chuẩn 4C và UTZ; thu, hái, chế biến, xử lý vỏ/nước thải thành phân vi sinh, rang, xay, pha chế, thử nếm, lập kế hoạch kinh doanh, vận hành mô hình HTX… Nhờ vậy, HTX tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng dòng cà phê đặc sản, tìm kiếm đầu ra, tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX.
Không chỉ ở Chiềng Chung, mà tại nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Sơn La, cà phê đã trở thành cây thoát nghèo của bà con.
Sau hơn 30 năm phát triển cây cà phê, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với khoảng 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/năm. Đặc biệt, từ năm 2017, cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ, khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La" cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; trở thành những sản phẩm đặc sản vùng miền, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Cùng với phát triển bền vững cây cà phê, tỉnh Sơn La đã có những định hướng, mục tiêu vả giải pháp chiến lược để nâng tầm thương hiệu, nâng cao hơn nữa giá trị cây cà phê.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 3 địa phương là vùng nguyên liệu cà phê chính bao gồm: huyện Thuận Châu, thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn. Trong đó, Thuận Châu trồng cà phê với diện tích 5.600 ha, thành phố Sơn La với diện tích 5.000 ha và huyện Mai Sơn với diện tích trên 6.400 ha.
Hiện nay cà phê Sơn La đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia (Nhật, Mỹ, các nước Trung Đông và các nước châu Âu) và là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Từ loài cây được ví như cần câu giúp bà con xóa đói giảm nghèo, cây cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La; nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Quảng bá, tôn vinh hạt cà phê Việt
Để giới thiệu, quảng bá cà phê Sơn La đến với cộng đồng, Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 dự kiến được tổ chức trong tháng 10 tới.
Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ Khai mạc "Arabica Sơn La - Hương vị của núi rừng Tây Bắc"; Hội chợ triển lãm với chủ đề: "Cà phê Sơn La - Hội nhập và Phát triển"; Hội thảo nâng cao chất lượng cà phê Sơn La "Sản xuất cà phê bền vững". Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm cà phê; Trưng bày ảnh đẹp "Cà phê Sơn La - Hành trình tạo nên thương hiệu"; Hội thi nhà nông đua tài; Đêm Gala cà phê; Tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê…
Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Lễ hội cà phê Sơn La lần thứ nhất được tổ chức nhằm mục đích quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La; là cơ hội để tỉnh Sơn La giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.
Sự kiện còn nhằm khẳng định vị thế cà phê Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đây là cơ hội giới thiệu các sản phẩm nông sản chất lượng cao, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, kết nối cung cầu, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển thương mại miền núi, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó tạo động lực cho bà con tại khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương.
Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 được tổ chức tại Thành phố Sơn La từ ngày 10/10 đến ngày 13/10/2023. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 128 năm ngày thành lập tỉnh Sơn La (10/10/1895 - 10/10/2023); 15 năm thành lập thành phố Sơn La (26/10/1998 - 26/10/2023).
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/quang-ba-ton-vinh-hat-ca-phe-viet-20230915095925539.htm