Quảng bá văn hóa bản địa qua homestay
Những năm gần đây, xu hướng du khách đi du lịch ở tại nhà người dân để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của cư dân bản địa ngày càng tăng cao. Nắm bắt xu hướng đó, các mô hình du lịch homestay ra đời ngày càng nhiều. Từ đó, không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống, quảng bá phong tục, tập quán của địa phương.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến homestay của gia đình ông Hà Huy Giáp ở bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) chính là ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời hàng trăm năm được xây dựng tại khu vực cao ráo, thoáng mát, xung quanh được trồng nhiều cây xanh, mang lại cảm giác vô cùng dễ chịu. Đáng chú ý là, từ trong ngôi nhà sàn có thể nhìn bao quát được toàn cảnh ruộng bậc thang ở bản Đôn. Dẫn chúng đi tham quan một vòng homestay và giới thiệu tỉ mỉ từng phòng ăn, phòng ngủ cho khách du lịch, ông Giáp phấn khởi cho hay: Homestay này trước đây là ngôi nhà sàn mà gia đình tôi dùng để ở, vài năm trở lại đây nhận thấy khách du lịch đến bản Đôn có xu hướng ở homestay ngày càng nhiều nên gia đình tôi đã cải tạo, sửa sang lại thành homestay phục vụ du khách. Hiện tại homestay có 6 phòng với sức chứa khoảng 100 khách và 1 nhà cộng đồng với sức chứa khoảng 50 khách. Ngoài ra, chúng tôi cũng bố trí phòng ăn cho du khách ở bên dưới nhà sàn.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên mát mẻ, cùng với sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo nên homestay của gia đình ông Giáp luôn có khách đến đặt phòng quanh năm. Vào mùa hè, lượng khách đến lưu trú thường tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, nên đa số các phòng đều kín. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động như, đạp xe thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, cảnh ruộng bậc thang, trải nghiệm cấy lúa, gặt lúa cùng bà con, hoặc cùng tham gia chế biến các món ăn truyền thống như, thịt gà, xôi nếp nương, cá sông, thịt lợn nướng... và giao lưu với bà con dân tộc Thái các tiết mục văn hóa, văn nghệ. Từ việc kinh doanh du lịch qua homestay, đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như quảng bá được nét đẹp văn hóa của người dân ở bản đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Là người thường xuyên đến homestay của gia đình ông Giáp, anh Nguyễn Văn Bình (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Là người ưa thể thao, nhất là các môn leo núi, đạp xe xuyên rừng, nên hầu như tháng nào tôi cũng có mặt tại homestay của gia đình ông Giáp để lưu trú. Tôi rất thích thú khi ở homestay tại đây, bởi ngoài tận hưởng bầu không khí mát mẻ của nhà sàn truyền thống, ăn các món ẩm thực độc đáo tôi còn được tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và giao lưu cùng bà con dân tộc thái. Từ đó, thêm hiểu hơn về phong tục, tập quán, cũng như đời sống của bà con ở đây.
Tại bản Mạ (Thường Xuân) hiện có 10 hộ làm du lịch cộng đồng đã đầu tư xây dựng homestay phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ông Vi Văn Tiên, hộ làm du lịch cộng đồng tại đây chia sẻ: Thay vì chọn những khách sạn, nhà nghỉ, du khách khi đến bản Mạ đang có xu hướng lựa chọn ở các homestay. Lựa chọn này, không chỉ đơn thuần để lưu trú, mà để tham quan, trải nghiệm và thưởng thức sắc màu văn hóa của người dân bản địa. Bởi vậy, từ năm 2016 gia đình tôi đã đầu tư xây dựng 4 nhà sàn truyền thống làm homestay phục vụ khách. Để thu hút du khách đến tham quan, lưu trú, tôi đã chú trọng đến việc tổ chức, làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ trải nghiệm để du khách tham gia như, nấu ăn, đốt lửa trại giao lưu văn nghệ, đạp xe đạp trên những con đường làng mộc mạc, yên bình, ngắm cảnh ruộng bậc thang. Nhờ đó, trung bình 1 tháng homestay của gia đình tôi đón được hơn 200 du khách.
Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân, cho hay: "Những năm trở lại đây, du lịch cộng đồng đã và đang phát triển mạnh ở bản Mạ. Nhiều hộ gia đình đã tận dụng cải tạo lại nhà sàn mình đang ở hoặc xây mới để làm homestay phục vụ khách du lịch. Nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở đây, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân làm homestay chú trọng gìn giữ cảnh quan, không gian văn hóa nhà sàn đặc sắc của dân tộc. Đồng thời, vận động người dân, những hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia các lớp tập huấn về du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức để nâng cao về các kỹ năng phục vụ du khách. Cùng với đó, là tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo tồn, gìn giữ các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình gắn với phát triển du lịch".
Hiện nay, xu hướng của khách du lịch ngày càng quan tâm đến các yếu tố tự nhiên, phong cảnh hay bản sắc văn hóa của điểm đến. Nắm bắt được xu hướng đó, nhiều địa phương trong tỉnh như Quan Hóa, Thạch Thành, Như Thanh, Bá Thước... đã tích cực khai thác và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với homestay. Đồng thời, khuyến khích người dân, các hộ làm homestay tích cực chỉnh trang lại nhà cửa, cải tạo vườn tạp trồng thêm nhiều cây xanh, cây hoa để bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường xung quanh, cũng như tạo không khí trong lành, mát mẻ. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động cho khách tham gia tìm hiểu về nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương như, trồng trọt, đánh bắt cá, dệt thổ cẩm, hoạt động giao lưu văn hóa... Từ đó, không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương phát triển.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quang-ba-van-hoa-ban-dia-qua-homestay-222227.htm