Quảng Bình cần xác định thị trường trọng yếu để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp

Nhằm thích ứng thời tiết, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) đã xây dựng các sản phẩm lưu trú và một số tour du lịch trải nghiệm ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa để đón khách nghịch mùa.

Xem thêm các kỳ:

Kỳ trướcKỳ mơí1/42/43/44/4Kỳ tiếp

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis), là người khởi thảo nhiều hoạt động du lịch ở Quảng Bình từ năm 2011, trong đó có tour Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Ông cũng là người sớm đưa ra nhiều ý tưởng và đã xây dựng các điểm đến nhằm phá tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình. PV Tạp chí Du lịch TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Châu Á về vấn đề này:

Thưa ông, với Oxalis tính mùa vụ ảnh hưởng đến hoạt động như thế nào, nhất là tour đi Sơn Đoòng?

Các sản phẩm du lịch của Oxalis chủ yếu bị ảnh hưởng vì lý do thời tiết vào một số tháng trong năm tùy theo từng khu vực. Ví dụ như với Sơn Đoòng thì chỉ khai thác từ tháng 1 đến hết tháng 8 hằng năm, những tháng còn lại phải đóng cửa vì khu vực này đón lượng mưa khá lớn và lượng nước lũ của các nguồn sông suối, kể cả nguồn từ Lào đổ về khiến mức nước dâng lên cao gây nguy hiểm cho du khách khi vào rừng. Vì vậy, chúng tôi buộc phải đóng cửa dù cho số lượng khách đăng ký đi Sơn Đoòng mỗi năm đều vượt nhiều hơn số lượng do UBND tỉnh Quảng Bình hạn định.

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis). Ảnh: Oxalis

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis). Ảnh: Oxalis

Các điểm khai thác ở khu vực khác như Tú Làn, hang Tiên thì đóng cửa 2 tháng là từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11 hằng năm. Các sản phẩm du lịch khác của Oxalis chỉ ảnh hưởng do thời tiết bất thường chứ không phải do mùa vụ.

Oxalis đã đưa ra các ý tưởng tour mùa mưa lũ, mùa lạnh nào?

Chúng tôi có xây dựng các sản phẩm lưu trú và một số tour du lịch trải nghiệm mùa lụt ở khu vực xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa theo mô hình là sản phẩm thích ứng thời tiết. Các khu nhà homestay được thiết kế thành nhà nổi, du khách đến trải nghiệm và lưu trú bình thường ngay cả khi nước lũ dâng ngập cả khu vực.

Chèo SUP mùa mưa ở Hung Trâu. Ảnh: Hải An

Chèo SUP mùa mưa ở Hung Trâu. Ảnh: Hải An

Các sản phẩm chèo thuyền kayak, sup hay tham quan những vùng rừng cây ngập nước như ở vùng Hung Trâu, bản đồng bào Rục của xã Thượng Hóa. Vùng này có đặc tính là dù nước lũ lụt lên cao nhưng nước lại trong veo, đẹp đến hiếm có và rất ngoạn mục…

Tour chèo thuyền ngắm cảnh quan mùa lụt tại khu vực trước cửa khu điều hành Tú Làn, hay chèo thuyền đi tặng quà cho người dân và sống cùng họ trong mùa lụt. Khai thác cơ sở Rural Homestay thích ứng thời tiết tại xã Tân Hóa với 10 căn nhà nổi của dân trong xã để khách trải nghiệm sống trong lũ lụt…

Quảng Bình mời các KOLs về quảng bá du lịch trái mùa. Ảnh: Hải An

Quảng Bình mời các KOLs về quảng bá du lịch trái mùa. Ảnh: Hải An

Ông đã có nhận xét nào qua thực thi các ý tưởng trên?

Đây là các sản phẩm mới, hiện đang khai thác ở mùa bình thường, tới mùa mưa bão năm 2023 này sẽ khai thác thử nghiệm nên đến thời điểm này chúng tôi chưa có đánh giá chi tiết nào. Nhưng chúng tôi cũng đã xây dựng các kế hoạch truyền thông hợp lý, bảo đảm mọi yếu tố an toàn để thu hút khách đến trải nghiệm. Hi vọng các mô hình tour mới thích ứng thời tiết này sẽ được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, ưa thích.

Một ngôi nhà nổi ở Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Một ngôi nhà nổi ở Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Dưới cách nhìn của người làm du lịch đã gắn liền với Quảng Bình lâu nay, ông nghĩ thế nào về tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình?

Du lịch Quảng Bình quả là khá bận rộn vào những tháng mùa hè và thu hút được một số lượng khách rất lớn từ miền Bắc vào nghỉ hè, tắm biển, thưởng thức hải sản và tham quan hang động. Đáng tiếc là hiện nay Quảng Bình có rất ít sản phẩm du lịch và chưa thu hút được các thị trường du lịch khác nhau, từ đó dẫn đến tính mùa vụ rất cao.

Ông Nguyễn Châu Á phát biểu tại Lễ công bố Đại sứ Du lịch thích ứng thời tiết tại xã Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Ông Nguyễn Châu Á phát biểu tại Lễ công bố Đại sứ Du lịch thích ứng thời tiết tại xã Tân Hóa. Ảnh: Oxalis

Như tôi thấy, hiện nay thị trường khách ở TP.HCM và một số tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ là rất lớn, nhưng chúng ta chưa có chiến lược rõ ràng, phù hợp, năng động để thu hút khách đến du lịch ở tất cả các tháng quanh năm, chứ không chỉ tập trung vào mùa hè.

Từ cái nhìn đó, theo ông du lịch Quảng Bình có thể làm gì để phá tính mùa vụ?

Theo tôi, việc cần làm nhất đó là Quảng Bình cần xác định sớm các thị trường trọng yếu của mình là gì, để từ đó có chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Tạo nhiều cơ sở du lịch mới, điểm đến mới chất lượng cao hơn, đồng bộ hơn… Đồng thời là từ cấp tỉnh, ngành du lịch đến mỗi doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào du lịch đều phải đẩy mạnh công tác marketing nhằm thu hút khách đến các tháng trong năm, vậy mới tiến tới giảm thiểu tính mùa vụ trong du lịch được.

Cảm ơn ông!

Bài 4: Du lịch Quảng Bình tìm hướng đi mới

Lam Giang (thực hiện)

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/quang-binh-can-xac-dinh-thi-truong-trong-yeude-xay-dung-san-pham-du-lich-phu-hop-c8a62536.html