Quảng Bình làm gì khi ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ năm ngoái?

Số ca bệnh ghi nhận từ đầu năm có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ năm 2023. Ngành Y tế Quảng Bình phối hợp cùng các đơn vị triển khai nhiều phương án phòng, chống.

Theo Báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình, hiện toàn tỉnh phát hiện hơn 170 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, huyện Bố Trạch là địa phương nhiều nhất với 52 ca, tiếp đó là thành phố Đồng Hới với 42 ca. Các huyện, thị xã khác cũng phát hiện một số ca bệnh. Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết tại một số huyện, thành phố, thị xã có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Quảng Bình hiện phát hiện hơn 170 ca mắc sốt xuất huyết.

Quảng Bình hiện phát hiện hơn 170 ca mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết, để chủ động phòng, chống, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, đơn vị cử đoàn công tác cùng với hóa chất, phương tiện máy móc và trực tiếp giám sát, hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ các địa phương.

"Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt", bác sĩ Tiệp khuyến cáo.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bố Trạch cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn hiện có dấu hiệu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân được ghi nhận tập trung ở thị trấn Hoàn Lão (20 ca) và một số xã vùng ven. Số lượng tăng nhưng không tập trung thành ổ dịch mà xuất hiện rải rác ở các xã, thị trấn.

Số lượng bệnh nhân tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không tập trung thành ổ dịch.

Số lượng bệnh nhân tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không tập trung thành ổ dịch.

Nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết không bùng phát trên diện rộng, TTYT huyện Bố Trạch tổ chức nhiều đợt phun hóa chất diệt muỗi, chỉ đạo các trạm y tế tiếp cận từng hộ dân, vận động thực hiện công tác vệ sinh môi trường, triệt tiêu môi trường sinh sôi của muỗi.

"Trung tâm phối hợp với ban ngành, đoàn thể tổ chức các chiến dịch phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế sự sinh sôi của muỗi. Số lượng bệnh nhân có chiều hướng giảm xuống. Thời gian tới đơn vị tiếp tục phối hợp để thực hiện công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn", bác sĩ Đỗ Xuân Tính, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch cho biết.

Thành phố Đồng Hới là địa phương ghi nhận hơn 40 ca mắc sốt xuất huyết, TTYT thành phố chủ động phối hợp cùng các xã phường thực hiện công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

"Đơn vị tiến hành điều tra côn trùng, giám sát các ca bệnh hàng tháng và đột xuất khi có ca bệnh tại các xã, phường. Cử cán bộ tiến hành phun hóa chất xử lý ổ dịch. Cùng với đó chỉ đạo các trạm y tế xã, phường tăng cường các biện pháp, tuyên truyền người dân phòng, chống sốt xuất huyết", bác sỹ Đỗ Thanh Bình, Giám đốc TTYT thành phố Đồng Hới cho biết.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên toàn tỉnh, Sở Y tế Quảng Bình yêu cầu CDC, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh giám sát ca bệnh tại cơ sở y tế, đặc biệt chú ý giám sát ca bệnh tại cộng đồng. Các đơn vị tổ chức giám sát, theo dõi biến động tại địa phương nguy cơ nhằm lập kế hoạch và huy động người dân triển khai chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy kịp thời.

Công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng cũng rất quan trọng.

Công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng cũng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường truyền thông nguy cơ về sốt xuất huyết trong cộng đồng và hướng dẫn cách thức tìm, diệt loăng quăng, bọ gậy tại dụng cụ chứa nước ở hộ gia đình. Tổ chức kiểm tra, giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại vùng có dịch và có nguy cơ xảy ra dịch...

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quang-binh-lam-gi-khi-ca-mac-sot-xuat-huyet-co-dau-hieu-tang-so-voi-cung-ky-nam-ngoai-169240523162656129.htm