Quảng Bình: Phát huy hiệu quả nguồn vốn khuyến công
Với sự trợ giúp từ nguồn vốn khuyến công, công nghiệp nông thôn (CNNT) Quảng Bình từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, hoạt động khuyến công do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (Trung tâm) triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Với sự trợ giúp từ nguồn vốn khuyến công, công nghiệp nông thôn (CNNT) Quảng Bình từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình, góp phần xóa đói giảm nghèo, duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương.
Triển khai hoạt động khuyến công năm 2022, sáu tháng đầu năm Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình đã hoàn thành tư vấn, hỗ trợ đợt 1 cho các cơ sở, doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển sản xuất CNNT.
Đối với hoạt động khuyến công địa phương, Trung tâm đã hoàn thành tư vấn, hỗ trợ cho 16 cơ sở, doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển sản xuất CNNT thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề sản xuất đa dạng như: sản xuất gạch không nung, đũa gỗ cao cấp, đồ gỗ nội thất, rượu, may công nghiệp, cơ khí tổng hợp, miến dong, miến gạo, bột ngũ cốc… với tổng kinh phí là 1.480 triệu đồng; Tổ chức 03 lớp tập huấn về khuyến công và nâng cao năng lực về áp dụng sản xuất sạch hơn cho hơn 150 đại biểu của các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đối với hoạt động khuyến công quốc gia, Trung tâm đã phối hợp với đơn vị thụ hưởng triển khai đề án Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất viên gỗ nén năng lượng tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đức Quân (kinh phí hỗ trợ 1.000 triệu đồng), đề án hiện đang hoàn thiện phần xây dựng cơ bản và triển khai mua sắm máy móc thiết bị.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình tiếp tục triển khai hoàn thành nhiệm vụ công tác khuyến công năm 2022. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN một cách bền vững; thực hiện và hoàn thành các đề án khuyến công quốc gia năm 2022; xây dựng trình Cục Công Thương địa phương kế hoạch kinh phí Khuyến công Quốc gia năm 2023;
Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến khích phát triển CN-TTCN, phổ biến cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - thương mại tỉnh Quảng Bình. Căn cứ kế hoạch đăng ký hỗ trợ vốn khuyến công địa phương của các huyện, thị xã, thành phố và nhu cầu về phát triển CN - TTCN trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó lựa chọn tiếp cận các cơ sở, tư vấn lập hồ sơ dự án đề nghị hỗ trợ vốn khuyến công và ra quyết định hỗ trợ cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn. Phối hợp tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định 26/2016/QÐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình về Quy định nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình.
Đến năm 2025, khuyến công Quảng Bình phấn đấu giá trị sản xuất CNNT (theo giá so sánh năm 2010) đạt 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 8 - 8,5%; xây dựng từ 9 - 10 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới.
Hỗ trợ 140-150 cơ sở CNNT đầu tư chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất CN - TTCN. Tổ chức 2 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh.
Hỗ trợ tổ chức 14-15 hội chợ có cơ sở CNNT trên địa bàn tham gia; hỗ trợ 1.200 - 1.300 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.
Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, xây dựng kết cấu hạ tầng và sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 11 cụm công nghiệp, di dời 5 cơ sở CNNT gây ô nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ mở 30 lớp đào tạo nghề cho 900 lao động theo nhu cầu của các cơ sở CNNT…