Quảng Bình: Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án
Tiến độ thi công các dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn thấp so với kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các chủ đầu tư phải chủ động phối hợp với các Sở, ngành, địa phương nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành dự án.
Ngày 23/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án. Theo đó, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 19 công trình, dự án đầu tư công được giao kế hoạch vốn, với 3 dự án sử dụng vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 16 dự án do UBND tỉnh Quảng Bình quản lý. Theo báo cáo, giá trị giải ngân vốn đã bố trí cho các dự án đến ngày 20/9, với hơn 822 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2018, 2019 kéo dài sang năm 2020 trên 251 tỷ đồng, vốn bố trí năm 2020 hơn 571 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn vốn ngân sách Trung ương được bố trí hơn 484 tỷ đồng, đã giải ngân được gần 100 tỷ đồng (đạt 20,6%). Vốn ngân sách tỉnh bố trí 34 tỷ đồng, đã giải ngân được gần 8 tỷ đồng (đạt 23,2%). Vốn ODA được bố trí 199,725 tỷ đồng, đã giải ngân được 56,046 tỷ đồng (đạt 28,1%). Vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí 103,652 tỷ đồng, đã giải ngân được 36,036 tỷ đồng (đạt 34,8%).
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình, dự kiến tỷ lệ giải ngân tổng các nguồn vốn đến 30/9/2020 khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra dự kiến đạt trên 60%. Tuy vậy, đơn vị sẽ quyết tâm để đến ngày 31/01/2021, giải ngân được 97,5% nguồn vốn.
Nguyên nhân do nguồn vốn các dự án bố trí 1 lần chiếm tỷ lệ 38,92% tổng số vốn. Các dự án phần lớn mới được khởi công xây dựng từ tháng 4- 5- 6/2020 nên chưa có khối lượng giải ngân. Những dự án sử dụng vốn bồi thường sự cố môi trường biển Formosa đều đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên hầu như chưa có giải ngân. Đối với nguồn vốn ODA và đối ứng ngân sách tỉnh, tỷ lệ giải ngân thấp do số vốn bố trí vượt quá nhu cầu tiến độ thực tế của dự án.
Theo ông Phạm Văn Lương - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị được giao thực hiện dự án xây dựng củng cố đê, kè chống sạt lở cửa sông Nhật Lệ, có tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng được thực hiện trong 5 năm với 2 giai đoạn thực hiện. Đến ngày 22/9, tổng kinh phí đã giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 đạt 14,902 tỷ đồng, đạt 51%.
Ông Trần Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu rõ: Kết quả tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư. Vì vậy, Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải nâng cao công tác chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về tiến độ giải ngân các nguồn vốn của ngành, địa phương, đơn vị mình được giao thực hiện.
Về tiến độ thi công các dự án còn chậm và tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp so với kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các Ban quản lý dự án của các Sở phải chủ động trong việc phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương để giải quyết các vấn đề vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trong đó, chú ý tập trung rà soát, làm rõ nguyên nhân tiến độ thi công chậm để có giải pháp đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án. Việc hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán với kho bạc không để dồn vào cuối năm mới thanh toán và không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.