Quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm, hãy cảnh giác!

Trước diễn biến phức tạp của dịch SARS-CoV-2 (Covid -19), thời gian gần đây, trên thị trường cũng xuất hiện tràn lan các sản phẩm chăm sóc sức khỏe được 'gán' cho chức năng hỗ trợ phòng, chống Covid -19. Sự giới thiệu, quảng cáo thổi phồng quá mức đã khiến nhiều người đổ xô đi mua mà không cần quan tâm đến giá cả, tác dụng thật sự. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phần lớn đây đều là các sản phẩm được quảng cáo sai sự thật.

Tràn lan sản phẩm diệt Covid-19

Gần đây, trên mạng xã hội đã đăng tải rất nhiều hình ảnh quảng cáo các loại thẻ, bút “thần kì”, kem bôi kháng khuẩn có xuất xứ từ Nhật Bản, Nga với tác dụng như “bùa hộ mệnh” chống vi virus gây ra dịch Covid-19.

 Thẻ kháng khuẩn với quảng cáo có tác dụng phòng chống virus Corona bán tràn lan trên mạng

Thẻ kháng khuẩn với quảng cáo có tác dụng phòng chống virus Corona bán tràn lan trên mạng

Không khó để tìm thấy những lời rao có cánh về các sản phẩm như: “Các nhà nghiên cứu hàng đầu tại Nhật Bản đã tìm ra giải pháp đầu tiên trên thế giới, một sản phẩm diệt khuẩn có thể mang theo bên người, thay thế vắc xin kháng khuẩn, thuốc kháng sinh, khẩu trang chống khuẩn” hay “chỉ cần đeo thẻ có thể đánh bay 99,99% virus, vi khuẩn lây bệnh, diệt khuẩn, khử mùi, chống ẩm mốc, siêu tiện lợi, mang theo bên người mọi lúc mọi nơi và tự tin giao tiếp”.

Những loại sản phẩm kiểu này được chỉ dẫn là chỉ cần đeo ở cổ, cài vào quần áo, balô... là phát huy hiệu quả phòng chống bệnh. Nhiều người tin rằng các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản hay Nga đều rất tốt và rất ít người tìm hiểu tác dụng thực sự của các mặt hàng này. Trên thực tế, không ít người đã tin tưởng, tìm mua các loại sản phẩm này với hy vọng có thể phòng bệnh do virus Covid-19. Người ta không ngần ngại bỏ ra 200.000 đến 300.000 đồng để mua sản phẩm mà không hề biết, chưa hề có nghiên cứu nào về tác dụng của những mặt hàng này.

Dù chỉ nghe qua quảng cáo, không biết thực hư tác dụng của bút chống virus ra sao, nhưng chị Lê Thanh Nhàn (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã lập tức tìm mua cho con trai đeo để phòng bệnh. Chị Nhàn cho biết, chị thấy loại bút này được quảng cáo có tác dụng ngăn ngừa sự truyền nhiễm của vi rút, nấm mốc, vi khuẩn, thông qua đường hô hấp và không khí và đã được y tá, bác sĩ ở các bệnh viện tại Nhật Bản tin dùng.

Cũng giống như chị Nhàn, chị Nguyễn Hoài Phương (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) nhiều ngày trước cũng lên mạng đặt cho mình một loại kem bôi mũi chống Covid-19 với giá 115.000 đồng. Chị Phương cho biết: “Tôi nghe mọi người quảng cáo loại kem này của Nga nên có tác dụng rất tốt, khi đi tới những chỗ đông người hoặc những nơi có dịch bệnh, chỉ cần bôi kem lên mũi, virus đi vào cơ thể sẽ bị diệt ngay. Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, vì lo cho sức khỏe của gia đình, đặc biệt là các cháu nhỏ chưa biết cách bảo vệ bản thân nên tôi cũng mua loại này sử dụng cho yên tâm”.

Bên cạnh các loại thẻ kháng khuẩn, bút kháng khuẩn, trên mạng xã hội cũng xuất hiện các lời tư vấn, loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ, sản phẩm chống virus được ví như những “thần dược” chống lại Covid-19. Có thể kể đến một số loại thực phẩm chức năng như: Vitamin C-Premium Vita C Jeju (Hàn Quốc) có giá 280.000 đồng/hộp 278 viên; vitamin C Nature'S Way 500mg (Australia) giá 440.000 đồng/lọ; thuốc Tamiflu (Nga) giá 890.00 đồng/hộp 10 viên; nước tỏi đen Hàn Quốc giá 500.000 đồng/hộp 30 gói; nước súc miệng “tận diệt vi khuẩn” giá 185.000 đồng/chai... dành cho người lớn. Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trẻ em cũng nhiều vô kể như thuốc tăng đề kháng, sữa tắm “chống cảm cúm, phòng ốm vặt”, sữa tắm “ngừa cảm lạnh” của Nga...

Người tiêu dùng nên cẩn trọng

Trên thực tế, mặc dù Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng “thổi phồng” tác dụng của các sản phẩm phòng chống Covid-19, thế nhưng vẫn có rất nhiều người đặt niềm tin tuyệt đối vào các sản phẩm này. Trước đó, Bộ Y tế thông tin không cấp phép nhập khẩu, lưu hành cho thẻ kháng khuẩn diệt vi rút. Đặc biệt, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cũng cho biết, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ kháng khuẩn.

Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ kháng khuẩn giúp phòng dịch bệnh. Ngay tại Nhật Bản cũng không khuyến cáo người dân sử dụng thẻ kháng khuẩn để ngăn ngừa dịch này. Tương tự như thẻ kháng khuẩn thì bút chống virus, hay khẩu trang chống virus cũng chưa được các cơ quan chức năng khuyến khích trong việc phòng chống Covid-19.

Đặc biệt đối với các loại thực phẩm chức năng, thuốc được rao bán với thông tin sơ sài, xuất xứ không rõ ràng và chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội thì người tiêu dùng cần phải thận trọng. Trên thực tế, việc quảng cáo “thổi phồng” tác dụng của các thực phẩm chức năng cũng đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo liên tục trên trang web của Cục. Theo đó, thực phẩm chức năng chỉ có công dụng hỗ trợ sức khỏe không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng diệt vi rút, trị cảm cúm…

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã phát hiện và đưa ra lời cảnh báo đối với nhiều trang web quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung lừa dối hoặc gây hiểu lầm là có tác dụng chữa bệnh. Cục An toàn thực phẩm cũng đã đưa ra thông báo, khi phát hiện sai phạm, nếu xác định được chủ thể, Cục tiến hành xử lý vi phạm hành chính tại Điểm b, Khoản 4, Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cá nhân và gấp 2 lần đối với tổ chức.

Bên cạnh đó, bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng lưu ý người dân cần cẩn trọng khi mua thực phẩm chức năng với quảng cáo giúp ngăn ngừa, chống lại Covid-19. Vì đây là một chủng vi rút mới vẫn đang được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, chưa có thuốc điều trị và vắc xin ngừa Covid-19 nên khó có thể khẳng định thực phẩm chức năng ngăn ngừa bệnh. Chưa kể có loại thuốc được quảng cáo bắt buộc phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quang-cao-thoi-phong-cong-dung-san-pham-hay-canh-giac-104167.html