Quầng Mặt trời lại xuất hiện ở Quảng Ngãi đẹp kỳ ảo

Khoảng 11h45 ngày 14/5, người dân tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ khi chứng kiến quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời. Lúc đầu, quầng mặt trời khá nhỏ sau đó lớn dần. Hiện tượng này kéo dài khoảng một giờ.

Khoảng 11h45 ngày 14/5, người dân tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ khi chứng kiến quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời. Lúc đầu, quầng mặt trời khá nhỏ sau đó lớn dần. Hiện tượng này kéo dài khoảng một giờ. Sau đó quầng mặt trời mờ dần và biến mất. Nhiều người dân thích thú chụp lại và chia sẻ trên mạng xã hội.

Trước đó quầng Mặt trời cũng xuất hiện ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh Nam Bộ.

Quầng Mặt trời ở Quảng Ngãi do người dân ghi lại được. Ảnh: Linh Phạm

Quầng Mặt trời ở Quảng Ngãi do người dân ghi lại được. Ảnh: Linh Phạm

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, xác nhận hiện tượng quầng Mặt trời xuất hiện tại Quảng Ngãi vào trưa 14/5. Ông Sỹ cho biết, đây là một hiện tượng bình thường, không có gì quá đặc biệt. Hiện tượng này thường xuất hiện vào đầu mùa hè. Thời điểm này thời tiết có mưa dẫn đến độ ẩm cao nên dễ xảy ra hiện tượng quầng mặt trời.

"Hiện tượng quầng mặt trời rất bình thường, không mang ý nghĩa dự báo điều gì. Có thể là mấy ngày qua tại Quảng Ngãi có mưa, độ ẩm cao nên xảy ra hiện tượng này. Ở trên cao có một lớp tinh thể băng mỏng, khi ánh nắng chiếu qua các tinh thể băng này đã tạo ra quầng Mặt trời", ông Sỹ nói thêm.

Quầng Mặt trời là hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng Mặt trời.

Quầng Mặt trời là hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng Mặt trời.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết quầng Mặt trời xuất hiện do hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng Mặt trời qua các tinh thể băng hình lục giác trong các đám mây ti tầng (cirrostratus) ở độ cao khoảng 5-10 km.

Khi ánh sáng đi qua các tinh thể băng này, nó bị bẻ cong, phân tách thành các màu sắc khác nhau, tạo thành vòng tròn sáng xung quanh mặt trời, thường có màu sắc giống cầu vồng, với ánh đỏ ở phía trong và tím ở phía ngoài.

Hiện tượng này thường xảy ra khi tầng khí quyển ở độ cao từ 5000-10000 mét có nhiệt độ giảm xuống 0 độ C tạo nên sự ngưng tụ các tỉnh thể băng mỏng tạo ra mây ti tầng che phủ bầu trời.

TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, quầng Mặt trời đôi khi được dân gian liên hệ với dự báo thời tiết như dấu hiệu sắp có mưa trong những ngày tới là đúng. Tuy nhiên hiện tượng quầng mặt trời không phải dấu hiệu cho một giai đoạn dài của thời tiết.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quang-mat-troi-lai-xuat-hien-o-quang-ngai-dep-ky-ao-169250514134412547.htm