Quảng Nam: Biên chế y tế chưa đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ
Qua khảo sát tình hình triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm Sở Y tế Quảng Nam cho thấy, số lượng biên chế công chức, viên chức ngành y tế tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu, chức năng, nhiệm vụ. Hoàn thiện Đề án vị trí việc làm mới đáp ứng nhu cầu, chức năng và nhiệm vụ của ngành y tế Quảng Nam trong thời gian tới.
441 vị trí việc làm còn thiếu
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Sở Y tế Quảng Nam gồm 3 cơ quan khối hành chính và 32 đơn vị khối đơn vị sự nghiệp. Đề án vị trí việc làm (VTVL) khối hành chính Sở Y tế được UBND tỉnh này phê duyệt ngày 9-9-2022. Theo đề án, có 36 VTVL tương ứng 73 biên chế công chức. Trong đó, nhóm lãnh đạo, quản lý có 9 vị trí tương ứng 17 biên chế; nhóm nghiệp vụ chuyên ngành có 17 vị trí tương ứng 31 biên chế; nhóm nghiệp vụ chuyên môn có 6 vị trí tương ứng 12 biên chế; nhóm hỗ trợ phục vụ có 4 vị trí tương ứng 13 hợp đồng lao động. Năm 2023, Sở Y tế Quảng Nam được giao 60 biên chế công chức; hiện đã bố trí, sử dụng 55 biên chế. Từ năm 2021 đến nay, Sở Y tế đã thực hiện tuyển dụng không qua thi tuyển 13 biên chế, tuyển dụng qua thi tuyển 2 biên chế.
Viên chức khối đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Quảng Nam được phê duyệt theo Đề án VTVL và được giao trong năm 2022 là 3.990 biên chế; trong đó, có 2.555 biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; 1.435 biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp. Trong năm 2022, Sở Y tế đã tuyển dụng 440 biên chế viên chức. Năm 2023, được giao 4.000 biên chế viên chức; trong đó, có 2.555 biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; 1.445 biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp. Hiện đã bố trí, sử dụng 3.577 biên chế viên chức.
Theo Đề án VTVL của Sở Y tế và kế hoạch giao chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức ngành y tế của UBND tỉnh năm 2023 thì ngành y tế tỉnh còn thiếu 441 VTVL (18 công chức, 423 viên chức). Một lãnh đạo Sở Y tế cho biết: Việc triển khai xây dựng Đề án VTVL khi chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về khung năng lực, ngạch công chức cho từng vị trí cụ thể nên đề án vẫn chưa có tính thống nhất cao so với các sở y tế trong cả nước. Còn Đề án VTVL khối đơn vị sự nghiệp gặp nhiều khó khăn do chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị về VTVL, định mức số người làm việc; vị trí việc làm bác sỹ đa khoa rất khó tuyển dụng…
Hoàn thiện Đề án VTVL
Khó khăn vướng mắc hiện nay của Sở Y tế Quảng Nam là đang quản lý 35 cơ quan, đơn vị; thực hiện chế độ chính sách cho hơn 6.500 công chức, viên chức, người lao động từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; 1.830 cơ sở ngoài công lập; địa bàn rộng, địa hình đồi núi ảnh hưởng việc đi lại. Số lượng biên chế công chức như hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của sở. Cạnh đó, Đảng bộ Sở Y tế có hơn 342 đảng viên; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ kiêm nhiệm các nhiệm vụ của Đảng ủy, chưa có VTVL để bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ công tác đảng.
Việc triển khai thực hiện Đề án VTVL và quản lý, sử dụng, bố trí công chức, viên chức của Sở Y tế Quảng Nam còn gặp những khó khăn sau: Số lượng biên chế giao thấp dẫn đến thiếu nhân lực để triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát chuyên ngành; số lượng người làm việc được phê duyệt trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều đơn vị phải chủ động hợp đồng lao động vị trí chuyên môn, nghiệp vụ; công tác đấu thầu thuốc phải huy động nhân lực của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc triển khai thực hiện. Ngoài ra, còn vướng mắc, bất cập trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp; khó khăn trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức (các vị trí bác sĩ đa khoa, chuyên khoa...); việc triển khai thực hiện hợp đồng chuyên môn theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ…
Tại buổi làm việc với Sở Y tế và các Sở, ngành chức năng, ông Hà Đức Tiến - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế để phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, xây dựng, hoàn thiện Đề án VTVL trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo quy định. Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng số lượng viên chức còn thiếu so với chỉ tiêu giao để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách thu hút, giữ chân bác sĩ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của VTVL, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân… Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổng hợp, xem xét các đề xuất để trình HĐND tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp với Đề án VTVL của Sở Y tế, đảm bảo theo định mức, đáp ứng nhu cầu, chức năng nhiệm vụ.