Quảng Nam: Cây cổ thụ, cây gỗ quý ken đặc trong 'rừng bác Năm Công'
Khu rừng già nguyên sinh hàng trăm năm tuổi tại căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu V đang được người dân và ngành chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Khu rừng này gắn liền hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công.
Khu rừng nói trên còn được gọi là rừng bác Năm Công (tên gọi của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công), tại thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Khu rừng với diện tích khoảng 30 ha.
Khu rừng già này hiện nay là “lá phổi xanh” bảo vệ cho người dân huyện miền núi Nam Trà My và chống sạt lở đất đá vào mùa mưa bão.
Khu rừng có nhiều cây với đường kính 3 - 4 người ôm đang được mọi người bảo vệ nghiêm ngặt bởi nơi đây gắn liền các hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công.
Đầu tháng 8/2022, chúng tôi được ông Hồ Văn Ny, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My dẫn về tham quan khu rừng căn cứ này. Cái nắng gắt của vùng cao xứ Quảng đã được xua tan bởi không khí trong lành, mát mẻ toát ra từ rừng xanh.
Dẫn chúng tôi vào sâu trong khu rừng, ông Ny kể lại, khu rừng này bác Võ Chí Công bắt đầu ở để hoạt động cách mạng từ năm 1960 đến 1968. Bác Công là người đầu tiên ở Liên khu ủy và Ban Quân sự khu V tuyên truyền, vận động bà con tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước.
“Khi tôi làm du kích ở địa phương thì chưa gặp bác Võ Chí Công, cho tới khi tôi đi làm bộ đội mới gặp được bác Công. Lúc đó, bác Công họp quán triệt bộ đội đánh giặc cứu nước, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc để cho đồng bào khỏi chết, khỏi đói nghèo”, ông Hồ Văn Ny nhớ lại.
Cả khu rừng mênh mông, nhiều cây to lớn, cao chót vót, uy nguy tỏa bóng che mát, tạo nên sức sống mãnh liệt núi rừng.
Ông Ny nói thêm: “Sau khi chia tách huyện, chúng tôi đã tuyên truyền bà con không được phá rừng, không được phát rẫy và phải giữ cho được khu rừng này. Vì đây là nơi hoạt động cách mạng của các cán bộ hồi xưa.
Đặc biệt là nơi bác Võ Chí Công từng ở đây nên mình phải giữ nguyên, vừa bảo vệ rừng vừa bảo vệ nguyên di tích cách mạng. Qua đó giáo dục cho con cháu hiểu được giá trị lịch sử, hồi xưa bộ đội ở dưới tán rừng ẩn nấp chiến đấu đánh giặc ngoại xâm”.
Ông Hồ Văn Ny tâm sự, cái tên rừng bác Năm Công ra đời từ lâu rồi, từ thời bác Công đi vận động bà con tham gia cách mạng, tham gia đánh giặc. Bác Công ở khu di tích này để hoạt động cách mạng nên bà con địa phương đã gọi là rừng bác Năm Công.
Đi sâu vào khu rừng, chúng tôi tận mắt chứng kiến những thảm rừng còn nguyên vẹn. Hai bên lối đi đã được làm bậc thang để thuận lợi cho việc tuần tra và phục vụ cho du khách đến tham quan. Nhưng khu rừng còn giữ nguyên cảnh những loại dây leo chằng chịt quấn vào nhau, quấn vào những thân cây to lớn, tạo lên cảnh huyền bí của núi rừng.
Bên cạnh đó, còn có nhiều loại gỗ quý hiếm như Chò nâu, Dẻ gai Ấn Độ, Săng máu rạch, Chò ổi;…
Chỉ tay vào một gốc cây có đến vài người ôm, ông Ny cho biết, có nhiều cây Chò nâu hơn 30 m, chu vi từ 3 đến 4 m, đặc biệt có những cây cao hơn 50 m, chu vi từ 2 đến 5 m và nhiều loại cây khác đã tạo nên giá trị của khu rừng này.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My cho biết: “Chúng tôi đã gắn bó với rừng từ lâu. Việc giữ lại khu rừng này có ý nghĩa giữ lại dấu ấn tại căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu V nên mọi người dân và các ngành chức năng cùng nhau góp sức bảo vệ cho tốt. Chúng tôi mong muốn, nơi đây trở thành điểm giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử của ông cha hồi xưa và là một điểm du lịch sinh thái”.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, thời gian qua, các ngành chức năng và huyện Nam Trà My đã đi kiểm tra, đánh dấu số lượng cây và sửa chữa lại các bậc thang để cho người dân đến tham quan, tưởng nhớ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công.