Quảng Nam chú trọng phát triển bền vững nghề truyền thống trước nguy cơ mai một

Quảng Nam là vùng đất có lịch sử lâu đời và có nhiều tiềm năng để phát triển làng nghề, nghề truyền thống, gắn liền với tinh hoa văn hóa của quê hương xứ Quảng. Quảng Nam hiện nay có 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Những năm qua, các làng nghề truyền thống này đã trở thành bệ đỡ, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.

Các nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm tại Festival nghề truyền thống - Quảng Nam 2024. Ảnh: Đức Hoàng

Các nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm tại Festival nghề truyền thống - Quảng Nam 2024. Ảnh: Đức Hoàng

Để phát triển làng nghề bền vững, lưu giữ dấu ấn văn hóa bản địa xứ Quảng, các cấp, ngành chức năng luôn quan tâm triển khai nhiều giải pháp, nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và quảng bá, gìn giữ, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua luôn được các cấp, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện khôi phục, duy trì và có bước phát triển. Việc duy trì, phát triển làng nghề cũng góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động ở độ tuổi trung niên, lớn tuổi, lao động nữ; giúp bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mỗi miền quê.

Ở Quảng Nam có những làng nghề truyền thống lâu đời và rất nổi tiếng như: Làng chiếu cói Bàn Thạch; làng dệt Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai; làng đúc đồng Phước Kiều (huyện Điện Bàn); làng mộc Kim Bồng (thành phố Hội An). Bên cạnh đó, còn có nghề đan lát, nghề làm gốm và dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam. Các làng nghề truyền thống này trở thành nơi lưu giữ nét đặc trưng văn hóa, ẩm thực, thẩm mỹ của người dân xứ Quảng, ngày càng phát triển với nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm nghề truyền thống như các tour trải nghiệm đan lát, kỹ thuật mộc, dệt thổ cẩm, trải nghiệm nghề làm gốm...

Những mô hình du lịch này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân làng nghề thông qua việc đưa khách du lịch trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, tăng sức tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề, mà còn giúp quảng bá sản phẩm, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống.

Mới đây, Festival nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 với chủ đề “Sản phẩm nghề truyền thống Quảng Nam - nâng tầm và hội nhập” đã diễn ra tại thành phố Tam Kỳ. Tại sự kiện này đã tái hiện một cách sinh động các giai đoạn phát triển nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam. Qua đó, góp phần tôn vinh các nghệ nhân có đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề, hướng đến các giải pháp bảo tồn, truyền nghề và phát triển nghề Quảng Nam trong thời gian tới.

Có thể khẳng định, Festival nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh. Đây là nơi tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, nơi hội tụ của những bàn tay nghệ thuật tài hoa, nghiên cứu phương thức đổi mới sáng tạo đương đại... được tổ chức trong không gian cảnh quan, văn hóa - nghệ thuật đặc trưng thể hiện văn hóa tỉnh Quảng Nam qua việc tái hiện các nghề, làng nghề bên dòng sông Thu Bồn.

Festival nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan. Ảnh: Thủy Lê

Festival nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan. Ảnh: Thủy Lê

Không chỉ như vậy, Festival lần này còn là cuộc hội tụ để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia giữ gìn, phát huy giá trị nghề truyền thống; cùng với chuỗi sự kiện, chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Festival nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 có nhiều hoạt động đặc sắc, như: Chương trình trình diễn, tái hiện nghề; Lễ tưởng niệm Bách tổ nghề, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi; Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm OCOP, sản phẩm nghề, làng nghề với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; Triển lãm sản phẩm nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng miền và ẩm thực.

Trong đó, điểm nhấn là buổi Tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập”. Các nhà quản lý, nghệ nhân đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống cùng với đại biểu các tỉnh bạn. Đồng thời cũng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, phát triển ngành nghề thời gian qua, những bất cập trong hoạt động, công tác quản lý Nhà nước...

Tại tọa đàm, nhiều gợi ý, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống; tìm kiếm cơ hội, tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với các nghề, làng nghề truyền thống tại Quảng Nam trong thời gian tới đã được chia sẻ thẳng thắn. Từ đó, làm cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh cũng như các ban, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt tình hình để có giải pháp chỉ đạo kịp thời công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập.

Được biết, trước đó, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã tổ chức phân loại thực trạng các làng nghề trong tỉnh này thành 3 nhóm để có các giải pháp mang tính chiến lược tiếp cận hợp lý, hiệu quả. Đối với những nghề, làng nghề đang có nguy cơ mai một và có xu hướng lụi tàn, thì xác định bảo tồn là chính; tiến hành điều tra, xây dựng dự án để duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động trình diễn nhằm gìn giữ, trao truyền, gắn liền với phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa của địa phương.

Đối với những nghề, làng nghề còn những khó khăn thì cần hỗ trợ, tạo điều kiện để các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao và các cơ sở làng nghề duy trì ổn định hoạt động sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ cho sinh hoạt, lễ hội của cộng đồng, từng bước phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Còn đối với các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn ra thị trường thế giới. Ngoài ra, cũng cần hỗ trợ thúc đẩy du nhập, gây dựng, phát triển làng nghề mới; phổ biến, nhân rộng nghề truyền thống ra các làng nghề mới; đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm, hình thành các cơ sở sản xuất mới tại địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quang-nam-chu-trong-phat-trien-ben-vung-nghe-truyen-thong-truoc-nguy-co-mai-mot-post480624.html