Quảng Nam có 25 doanh nghiệp đạt chứng nhận du lịch xanh
Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh. Đến nay đã có 25 doanh nghiệp du lịch được UBND tỉnh công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh.
Ngày 15/8, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ban điều hành Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên gia mô hình điểm du lịch xanh.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Nam cho biết: Thời gian qua ngành du lịch tỉnh Quảng Nam kiên định với mục tiêu "bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn"; xác định xây dựng thương hiệu, hình ảnh "Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh" nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi tất yếu của ngành du lịch trong tương lai, hướng du khách đến nhu cầu hưởng thụ du lịch cao cấp và trách nhiệm.
Với sự nỗ lực đó, thời gian qua ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, lượng khách và doanh thu từ năm 2021 đến nay có sự tăng trưởng liên tục qua từng năm.
Trong gần 3 năm qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Dự án Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam đã giúp Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho 6 mô hình là khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng.
Sau một thời gian triển khai, đến nay đã có 25 doanh nghiệp du lịch thuộc lĩnh vực lưu trú, điểm tham quan, lữ hành được UBND tỉnh cấp quyết định công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh với cấp độ 2/3 và 3/3 lá sâm Ngọc Linh (quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn du lịch xanh thể hiện bằng biểu trưng lá sâm Ngọc Linh, với 3 cấp độ từ 1 lá sâm Ngọc Linh đến 3 lá sâm Ngọc Linh). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ để được đánh giá công nhận.
Phát triển du lịch xanh vẫn còn gian nan
Ông Nguyễn Thanh Hồng cũng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển xanh vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tiêu chí xanh quốc tế và mong muốn của doanh nghiệp, người dân và du khách. Chặng đường phát triển du lịch xanh vẫn còn gian nan trong bối cảnh chung về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, sự đồng bộ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về tiêu chuẩn tăng trưởng xanh...
"Phát triển ngành kinh tế tổng hợp mang tính chất đa ngành đã khó mà phát triển theo hướng xanh, bền vững càng khó hơn, đòi hỏi có sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ngành du lịch cũng cần phải làm thường xuyên, liên tục, xuyên suốt quá trình phát triển chứ không thể chỉ dừng ở một giai đoạn là có thể xong", ông Nguyễn Thanh Hồng đánh giá.
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tạo mô hình du lịch xanh thí điểm ở nông thôn và miền núi để mở rộng không gian du lịch ở phía tây và phía nam của tỉnh.
Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Ban hợp tác, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, chia sẻ: "Thông qua SECO, Chính phủ Thụy Sĩ đang hỗ trợ TP. Hội An trở thành điểm đến du lịch bền vững được công nhận trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Nam cập nhật tiêu chí du lịch xanh và giúp các doanh nghiệp du lịch tiếp cận chứng nhận du lịch bền vững quốc tế.
Đồng thời, khuyến khích đối thoại công - tư để thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách tại địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững".