Quảng Nam: Đảm bảo giải ngân 100% vốn ngân sách Trung ương về các chương trình mục tiêu quốc gia
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn của từng chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.
Thực hiện các chương trình còn chậm
Quảng Nam là một trong những tỉnh thực hiện cùng lúc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại các huyện miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).
Tại buổi làm việc với các địa phương miền núi về tiến độ triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vừa qua, sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai các chương trình, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất và ý kiến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam kết luận, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn 9 huyện miền núi nói riêng đã đạt được một số kết quả tích cực. Hầu hết mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra trong năm 2021, năm 2022 đều cơ bản đảm bảo theo kế hoạch.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại 9 huyện miền núi còn chậm so với yêu cầu; nhiều dự án, công trình triển khai dở dang, chậm tiến độ; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện so với nguồn vốn đã phân bổ đạt quá thấp.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nhận thấy trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn biểu hiện e dè, né tránh trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện; công tác phối hợp, hướng dẫn của một số ngành chuyên môn cấp trên đối với với cấp dưới chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời.
Kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có biểu hiện ngại khó, thiếu trách nhiệm
Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và phát huy tối đa hiệu quả, lợi ích từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đối với sự phát triển của các địa phương miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan của tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực hỗ trợ các địa phương triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn, thẩm định, tập huấn chuyên môn cho các đơn vị, địa phương liên quan về tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, lập dự toán và thanh, quyết toán nguồn kinh phí thực hiện theo quy định; kịp thời phúc đáp, hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc của địa phương khi nhận được văn bản đề nghị.
Tăng cường kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân vốn của từng chương trình tại các địa phương; chủ động điều chuyển vốn đã phân bổ từ địa phương không đủ khả năng giải ngân hết vốn sang địa phương khác có nhu cầu nhằm đảm bảo cuối năm giải ngân 100% nguồn vốn ngân sách Trung ương. Tổ chức làm việc với các địa phương để xác định rõ thẩm quyền, định hướng chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; tổng hợp các vướng mắc vượt quá thẩm quyền của tỉnh để báo cáo Trung ương cho chủ trương giải quyết. Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu và là nội dung gợi ý kiểm điểm trách nhiệm năm 2023 đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương miền núi, nhất là đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Định kỳ ít nhất 1 lần/tháng, đồng chí Bí thư Huyện ủy làm việc với UBND và các ban, ngành của huyện để lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng thời, tập trung rà soát, đánh giá để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện đối với từng chương trình; trường hợp nhận thấy khả năng không thể thực hiện đúng kế hoạch vốn được giao thì phải khẩn trương báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh xử lý.
Kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện ngại khó, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Linh hoạt trong việc trưng tập, biệt phái cán bộ, công chức, viên chức tham gia bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành cấp trên để được hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công, phân nhiệm rõ ràng, xác định trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, lựa chọn cán bộ có năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, đạo đức tốt để phụ trách trực tiếp từng nhiệm vụ, dự án, tiểu dự án. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý ngay các tồn tại, bất cập, tuân thủ nghiêm tiến độ giải ngân theo kế hoạch đề ra. Phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư; nâng cao chất lượng công tác giám sát quản lý chất lượng thi công các công trình; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng.