Quảng Nam dừng chi 150 tỷ đồng mua sữa học đường cho học sinh miền núi
Tại Kỳ họp lần thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X diễn ra sáng nay 22/9, HĐND tỉnh Quảng Nam đã xem xét bãi bỏ Nghị quyết về chương trình sữa học đường cho trẻ em miền núi trên địa bàn.
Nghị quyết về Chương trình “Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” được HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua vào giữa năm 2022 với nguồn kinh phí 150 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay Nghị quyết này vẫn chưa thể triển khai do không có tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng quy định về đấu thầu. Tại Kỳ họp lần thứ 16, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X diễn ra sáng 22/9, HĐND tỉnh Quảng Nam đã xem xét bãi bỏ Nghị quyết này.
Tại kỳ họp, UBND tỉnh Quảng Nam có Tờ trình trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 17 năm 2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam về “Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025- 2026”. Tiếp đó, UBND tỉnh Quảng Nam có Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết: “Hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2025-2026”.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, việc tổ chức đấu thầu mua sắm sữa học đường hàng năm thuộc gói thầu lớn nên việc lập các hồ sơ, thủ tục gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, nhất là việc quy định phải đủ 3 báo giá hoặc chứng thư thẩm định giá. Trong khi đó, trên thị trường rất ít doanh nghiệp đủ tư cách 2 pháp lý để cho báo giá. Các đơn vị có tư cách pháp nhân để thẩm định giá đối với mặt hàng Sữa học đường cũng không nhiều. Việc tổ chức đấu thầu khó khăn vì gói thầu lớn lại rất ít doanh nghiệp tham gia nên thường kéo dài nhiều tháng.
Cùng với đó, ngày 14/4/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 về bãi bỏ Thông tư số 31 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường. Các văn bản mới làm cho công tác lập hồ sơ, thủ tục đấu thầu Chương trình Sữa học đường không thể thực hiện được.
Ngày 14/6/2023, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các địa phương về việc triển khai chương trình bữa ăn học đường, trong đó, đã khẳng định: “Chương trình Sữa học đường đã kết thúc. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai Bữa ăn học đường trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025.”
Tại tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới về hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em miền núi cũng nêu rõ: Đối tượng áp dụng của nghị quyết là trẻ mẫu giáo (từ 3 tuổi đến 6 tuổi) và học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập (đã được cấp phép) tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Kinh phí thực hiện gần 132 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam, trong đó chi phí mua sữa khoảng 131 tỷ đồng. Còn lại là chi phí hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát.
Thảo luận về việc ban hành Nghị quyết mới về hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em miền núi, Đại biểu Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, học sinh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chờ đợi quá lâu để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sữa học đường. Quá trình ban hành nghị quyết mới cần bám sát các quy định của Bộ Y tế để nghị quyết sớm đi vào thực tiễn.
“Hiện nay ở hệ thống các địa phương, các trường học đều có ban chỉ đạo kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và cũng có chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường. Tôi nghĩ nên giao trách nhiệm cho bộ phận này vì đây là trách nhiệm chính trị mà các địa phương phải làm gắn với nhiệm vụ chuyên môn”, ông Bhling Mia cho hay.