Quảng Nam: Giải pháp 'then chốt' trong công tác thi hành án hành chính
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đó được xem như là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tự nguyện thi hành án còn chậm
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác THAHC theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản của Trung ương, địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam thường xuyên quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thi hành kịp thời, nghiêm túc các Bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật và phối hợp với cơ quan THADS trong việc THAHC. Sở Tư pháp đã tham mưu ban hành Kế hoạch để triển khai phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến đến cán bộ, công chức và nhân dân về tinh thần và nội dung cơ bản của các Bộ luật, Luật trong đó có Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Tuy nhiên, các cơ quan THADS Quảng Nam còn gặp khó khăn, vướng mắc đối với những bản án quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã tồn đọng nhiều năm chưa được thi hành xong. Công tác quán triệt, triển khai Luật Tố tụng hành chính và các văn bản về THAHC hiệu quả chưa cao, phần lớn các đơn vị phải thi hành án trong bản án hành chính chưa nắm được nội dung Luật tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP nên việc tự nguyện thi hành án còn chậm; nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác THAHC còn hạn chế.
Một số cơ quan hành chính Nhà nước là người phải thi hành án không thống nhất với nội dung bản án nên đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị nội dung bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm dẫn đến việc tổ chức thi hành chậm. Việc kiến nghị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án chưa được cơ quan quản lý trực tiếp quan tâm, thực hiện.
Theo đánh giá của Lãnh đạo Cục THADS tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc nêu trên là do công tác theo dõi THAHC là công việc khá nhạy cảm, trong khi pháp luật về THAHC tuy đã được nâng lên một bước, nhưng nhìn chung vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhất là thiếu cơ chế đủ mạnh và khả thi để buộc người phải thi hành án thực hiện nghiêm phán quyết của Tòa án.
Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho công tác THAHC tại các cơ quan THADS chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; công chức làm công tác tham mưu thực hiện việc theo dõi THAHC đều là những người kiêm nhiệm nên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác theo dõi THAHC.
Pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc áp dụng của cơ quan hành chính không thống nhất, có nhiều cách hiểu khác nhau. Trình tự, thủ tục để thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính theo nội dung Bản án, Quyết định đã tuyên mất rất nhiều thời gian nên việc thi hành án của các cơ quan hành chính còn chậm.
Tăng cường công tác phối hợp
Về chủ quan, đó là do công tác phối hợp giữa các cơ quan THADS và các cơ quan, đơn vị hữu quan, cấp ủy, chính quyền địa phương đôi khi còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời tham mưu, phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THAHC. Đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan THADS được giao làm nhiệm vụ THAHC, nhất là ở các Chi cục THADS còn chưa đáp ứng yêu cầu, nên trong quá trình tổ chức theo dõi THAHC còn lúng túng, kéo dài.
Để công tác THAHC trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tốt, trong thời gian tới các cơ quan trên địa bàn tỉnh nói chung và cơ quan THADS nói riêng cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các văn bản pháp luật Tố tụng hành chính; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương trong việc ban hành quyết định hành chính và thực hiện hành vi hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc hành chính có thể bị khởi kiện ra Tòa án.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai, phổ biến các quy định của Luật tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật hướng dẫn về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đến sâu rộng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa công tác tập huấn nghiệp vụ theo dõi THAHC để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức THADS làm nghiệp vụ theo dõi THAHC; Tăng cường công tác phối hợp giữa Cục THADS với Tòa án nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành trong công tác THAHC.
Cùng với đó, Cục THADS Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho cơ quan THADS, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác THADS, hành chính; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác THAHC cho đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn Ngành, đặc biệt tập huấn chuyên sâu cho Lãnh đạo và cán bộ các cơ quan THADS được phân công tham mưu cho UBND cùng cấp trong việc thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.