Quảng Nam 'giữ chân' lao động hồi hương tránh dịch
Cùng với những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã triển khai có hiệu quả các chính sách, ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân công nhân, ổn định lao động tại chỗ để từng bước vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19.
Hơn nửa năm rời TP.HCM về quê nhà Quảng Nam, chị Phạm Thị Ngọc Yến được giới thiệu vào làm công nhân may tại Công ty TNHH Fashion Garment, TP. Tam Kỳ. Mức lương hiện nay của chị Yến gần 5 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với làm việc tại TP.HCM. Để tiết kiệm chi phí, chị Yến tìm thuê căn phòng trọ nhỏ ở ghép cùng đồng nghiệp.
Thế nhưng, tính cả tiền điện, nước, mỗi tháng chị Yến tốn hơn 800 ngàn đồng cùng nhiều chi phí sinh hoạt khác, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi nghe có chủ trương hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ, chị Phạm Thị Ngọc Yến cùng nhiều lao động mong mỏi chính sách này sớm triển khai để những lao động hồi hương có điều kiện gắn bó lâu dài với quê hương.
“Nếu được hỗ trợ khoảng tiền này thì em sẽ giảm được nhiều chi phí, bớt được khoản tiền thuê nhà để có điều kiện lo cho con nhỏ đi gửi nhà trẻ, giúp em có điều kiện để trang trải cuộc sống và gắn bó với công ty lâu dài hơn”, chị Ngọc Yến chia sẻ.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từng bước khôi phục và mở rộng quy mô sản xuất, cần rất nhiều lao động. Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam, Khu Công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất các sản phẩm sợi dùng trong ngành may mặc và lốp ô tô. Ông Lee Eun Bae, Giám đốc Nhân sự Tổng vụ Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam cho biết, ngay từ đầu năm, công ty đặc biệt quan tâm giữ chân số lao động sẵn có, tích cực tuyển dụng và đào tạo lao động mới.
Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ nhà ở cho lực lượng lao động mà có quan hệ lao động đang thuê nhà trọ để làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm kinh tế trọng điểm miền Trung. Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động ,Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng hỗ trợ đối với lao động trong các cụm công nghiệp.
“Các chính sách mang tính nhân văn lớn, một mặc là hỗ trợ người lao động khó khăn, chia sẻ những khó khăn của họ, đặc biệt là những lao động thu nhập thấp. Thứ hai là hỗ trợ cho doanh nghiệp có điều kiện giữ nguồn lao động ổn định, bởi một khi lao động ổn định tư tưởng, thì sẽ gắn bó lâu dài, ổn định sản xuất”, ông Quý nói.
Trước sự bùng phát lây lan nhanh của dịch bệnh COVID-19, từ tháng 8 năm ngoái, tỉnh Quảng Nam đã đón hơn 10.000 lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch. Nhiều người trong số này đã được địa phương kết nối với các doanh nghiệp, kịp thời giải quyết việc làm. Để sử dụng nguồn lao động tại chỗ dồi dào hiện có, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đặt hàng nguồn lao động.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: địa phương đang khẩn trương triển khai các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn lao động tại chỗ để từng bước vượt qua khó khăn, thích ứng linh hoạt, đảm bảo an toàn với dịch COVID-19.
“Phải làm sao để người lao động không di chuyển nhằm thực hiện được hai mục đích. Thứ nhất, chúng ta đảm bảo được cung cầu của nguồn lao động để thu hút đầu tư. Thứ hai là bảo đảm giải quyết được vấn đề an sinh tại địa bàn. Nếu chúng ta sử dụng được mấy chục ngàn lao động ở đây thì giá trị luân chuyển về hoạt động kinh tế sẽ rất thuận lợi. Vấn đề nữa là khi ở đây, người ta cũng sẽ có điều kiện chăm sóc gia đình… cho nên vấn đề an sinh rất tốt”- ông Tuấn cho hay ./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quang-nam-giu-chan-lao-dong-hoi-huong-tranh-dich-post929968.vov