Quảng Nam: 'Hái' ra tiền nhờ nghề lặn bắt tôm hùm nhí

Hiện nay mỗi ngư dân xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có thể thu hàng triệu đồng mỗi ngày nhờ nghề săn bắt tôm hùm giống, bà con vô cùng phấn khởi khi có thêm khoản thu nhập mà theo họ là 'trời cho'.

Từ 7 đến 8h sáng hằng ngày cả trăm ngư dân ở các thôn Thuận An, Bình Trung, thuộc xã Tam Hải thường chèo thuyền thúng hoặc ghe nhỏ ra các rạn đá san hô ở biển Bàn Than của địa phương để lặn bắt tôm hùm giống, ngư dân còn gọi là tôm hùm nhí để bán cho thương lái.

Ngư dân Ngô Văn Thảo chia sẻ về nghề lặn bắt tôm nhí.

Ngư dân Ngô Văn Thảo chia sẻ về nghề lặn bắt tôm nhí.

Ngư dân Ngô Văn Thảo, trú thôn Thuận An cho biết: “Mùa đánh bắt tôm hùm nhí diễn ra từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trời nắng biển ấm và ít sóng thì ngư dân mới có thể ra khơi lặn biển để hành nghề, còn hôm nào biển động mạnh sóng lớn thì bà con chuyển qua nghề thả lưới đánh bắt tôm, cá”.

Ngư dân Tam Hải phấn khởi vì bắt được nhiều tôm nhí.

Ngư dân Tam Hải phấn khởi vì bắt được nhiều tôm nhí.

Còn ngư dân Lê Văn Vũ cho hay: “Muốn bắt được tôm nhí, khi ra đến gành đá tôi phải lặn sâu hơn 10m nước, mỗi lần lặn tôi quấn dây chì quanh bụng, cổ đeo mắt kính và gắn dây thở được đấu trực tiếp với bình oxy và động cơ máy nổ trên thuyền cho khỏi ngạt khí. Nghề lặn biển rất nguy hiểm, cần phải có kinh nghiệm và sức khỏe tốt. Khi trồi lên mặt nước phải từ từ để tránh ù tai, lủng màng nhĩ và tránh áp suất của nước dễ gây tổn thương phổi, nhưng bù lại không phải ở đâu, lúc nào cùng có lộc trời cho để mình có khoản thu nhập khá mỗi ngày”.

Ngư dân Tam Hải chèo ghe săn bắt tôm nhí ở biển Bàn Than.

Ngư dân Tam Hải chèo ghe săn bắt tôm nhí ở biển Bàn Than.

Ngư dân Ngô Văn Xu, trú thôn Thuận An đang cùng với con trai ông Ngô Thanh Đấu chèo thuyền thúng ra các rạn đá để lặn biển săn tôm hùm nhí, ông Xu cho hay, trung bình mỗi ngày 2 cha con ông bắt được khoảng 30 đến 50 con tôm nhí, trong đó đa số là tôm xanh. Hiện nay giá tôm hùm nhí dao động từ 50.000 đến 85.000 đồng/con, do đó ông có thể thu về khoảng 2 đến 3 triệu đồng/ngày.

Ngư dân bắt tôm nhí dưới biển vừa nổi lên mặt nước.

Ngư dân bắt tôm nhí dưới biển vừa nổi lên mặt nước.

“Hành nghề bắt tôm hùm nhí, mỗi thuyền thúng có khoảng 2 đến 3 ngư dân cùng nhau ra khơi và mọi người thường mang theo các dụng cụ như bộ đồ lặn, bình oxy, 2 vòng dây chì nặng khoảng 5kg, chai nhựa, thùng xốp có gắn máy sục khí để đựng tôm bắt được cho nó sống; que tăm sắt để chọc tôm nhí trong các rạn đá, san hô bò ra để bắt”, ngư dân Xu tâm sự.

Qua trao đổi nhiều ngư dân cho biết, mùa tôm hùm nhí bắt đầu tháng 11 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau. Tuy nhiên so với mọi năm trước, năm nay tôm hùm nhí xuất hiện ít hơn, vì trước đây mỗi ngày lặn biển mỗi ngư dân địa phương có thể bắt được hơn 100 con tôm hùm nhí, thu thập lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên môi trường nước bị ô nhiễm nên tôm hùm lớn ít vào rạn đá để sinh sản vì vậy số lượng tôm hùm nhí cũng giảm dần.

Anh Ngô Thanh Đấu chuẩn bị lặn xuống biển bắt tôm nhí.

Anh Ngô Thanh Đấu chuẩn bị lặn xuống biển bắt tôm nhí.

Bà Ngô Thị Liên, một thương lái thu mua tôm hùm nhí cho biết, bà thu mua với giá 50.000 đến 100.000 đồng/con, thậm chí có con mua đến 200.000 đồng tuy theo kích thước. Sau khi thu mua xong, bà đem bán lại cho các chủ nuôi tôm ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên với giá từ 250.000 đến 290.000 đồng/con.

“Vì tôm nhí tự nhiên có chất đề kháng tốt, dễ nuôi, nhanh lớn nên các chủ trang trại nuôi tôm sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn thu mua số tôm hùm nhí mà ngư dân đánh bắt được. Mùa tôm hùm nhí kéo dài khoảng vài tháng, riêng tôi mỗi mùa thu mua khoảng vài nghìn con”.

Thương lái thu mua tôm nhí của ngư dân xã Tam Hải.

Thương lái thu mua tôm nhí của ngư dân xã Tam Hải.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, hiện nay toàn xã có hơn 200 hộ dân khai thác tôm hùm giống. Tuy nhiên, hằng năm chính quyền địa phương có ra văn bản thông báo việc cấm khai thác tôm hùm nhí từ đầu tháng 4 đến tháng 7 để bảo vệ loài tôm hùm của biển khơi và bảo vệ nguồn giống thủy sản ở vùng biển địa phương.

“Nghề khai thác tôm hùm nhí này là lộc trời hằng năm vào mùa vụ đã mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương nên bà con rất phấn khởi. Sau khi mùa bắt tôm hùm giống kết thúc thì người dân chuyển qua đánh bắt hải sản”, ông Nguyễn Tấn Hùng nói.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quang-nam-hai-ra-tien-nho-nghe-lan-bat-tom-hum-nhi-5710155.html