Quảng Nam kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam

Ngày 25-6, UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, vừa có tờ trình kiến nghị, đề xuất một số chủ trương về Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn Quảng Nam đến Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Quảng Nam là một trong 2 địa phương (cùng với tỉnh Kon Tum) có cây đặc hữu sâm Ngọc Linh được xem là cây quốc bảo của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi, trồng vì mục đích xuất khẩu.

 Đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Nhưng đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Do đó, rất khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi, trồng đối với sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo.

Tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương nhưng chưa đủ mạnh, khả năng thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng hình thành các nhà máy, khu công nghiệp dược còn nhiều hạn chế. Vấn đề mấu chốt là chưa có sự tham gia của tập đoàn kinh tế lớn với tiềm lực đủ mạnh trong việc trồng, phát triển và chế biến cây sâm Ngọc Linh…

Qua đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ quan tâm chủ trì sơ kết thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Điều này làm cơ sở cho các tỉnh đánh giá kết quả đạt được và có những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới để thực hiện.

 Một mô hình sản xuất sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp dưới tán rừng theo hướng dẫn GACP-WHO tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Một mô hình sản xuất sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp dưới tán rừng theo hướng dẫn GACP-WHO tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Có chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh gồm: Nâng cấp Quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My - giáp tỉnh Kon Tum, dài 45km), tỉnh Quảng Nam chịu kinh phí giải phóng đền bù, dự kiến kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng sâm Ngọc Linh dài 60km, dự kiến kinh phí khoảng 911 tỷ đồng.

Quảng Nam kiến nghị Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam. Kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển sâm tại Quảng Nam…

Bộ NN-PTNT sớm quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu theo Điều 248, Luật Đất đai năm 2024. Bộ Y tế sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.

Đồng thời, Bộ Y tế có cơ chế đưa sản phẩm sâm Việt Nam vào bảo hiểm y tế. Đánh giá hội dược điển về các tiêu chuẩn sâm Ngọc Linh. Bộ VH-TT-DL thống nhất tổ chức Lễ hội sâm quốc gia tại Quảng Nam vào năm 2025. Có chương trình phát triển du lịch sâm Việt Nam.

NGUYỄN CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-nam-kien-nghi-chinh-phu-trinh-quoc-hoi-ban-hanh-luat-sam-viet-nam-post746156.html