Quảng Nam làm mới các sản phẩm du lịch, thu hút du khách
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm du lịch mới, nâng cấp các điểm đến và dịch vụ vận chuyển, lưu trú… để thu hút du khách.
Để chuẩn bị cho Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022, ngay từ cuối năm ngoái, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình nghệ thuật, các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo phương châm linh hoạt, an toàn và hiệu quả. Chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” được đầu tư kỹ lưỡng, là sản phẩm mới trong năm 2022 đã thu hút lượng lớn du khách đến nơi đây.
Hơn 2 năm mới có dịp quay trở lại khu đền tháp Mỹ Sơn, ông Nguyễn Văn Phước từ tỉnh Bình Định khá bất ngờ và thích thú khi không gian du lịch tại đây có nhiều điều mới mẻ: “Chúng tôi lặn lội gần 300 km để về đây tham quan, thì thấy đã khôi phục lại các phương tiện vận chuyển, đường đi thuận lợi cho du khách đến. Chúng tôi sau khi về sẽ giới thiệu, thông báo cho nhiều bạn bè, anh em để họ có cơ hội đến đây tìm hiểu về di sản văn hóa của ông cha để lại”.
Để thích ứng an toàn và từng bước khôi phục các hoạt động du lịch trong trạng thái mới, thời gian qua, tại khu Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn đã hoàn thiện việc trùng tu, nâng cấp đền A1, các tháp A12, A13 thuộc nhóm tháp A. Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn cho biết Đài thờ Mỹ Sơn A10 đã được công nhận bảo vật quốc gia vào cuối năm 2021 và hàng loạt các sản phẩm nghệ thuật đã được khôi phục, làm mới và dàn dựng công phu với hàm lượng văn hóa nghệ thuật cao, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Theo ông Phan Hộ, việc Quảng Nam được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2022 là cơ hội tốt để địa phương sớm đưa các hoạt động du lịch trở lại trạng thái mới: “Đến bây giờ, Mỹ Sơn đã hoàn thiện các chương trình để sẵn sàng đưa vào hoạt động theo chương trình chung của tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia tại Quảng Nam”.
Tại Di sản Văn hóa Thế giới Hội An, từ Tết Nhâm Dần đến nay, mỗi ngày khu phố cổ đón hàng ngàn lượt khách tham quan. Rất lâu rồi, phố cổ Hội An mới dần lấy lại hình ảnh của thành phố du lịch sôi động. Hàng loạt các hoạt động kích cầu du lịch đã được thành phố Hội An đưa ra, như liên kết các điểm đến với chính sách giảm 50% giá vé tham quan; khuyến khích người dân bản địa đi du lịch; khôi phục và tự làm mới các tour, tuyến du lịch, các hoạt động văn hóa văn nghệ trong khu phố cổ.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã giúp chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tại Hội An có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để có thể thích ứng, an toàn, sớm phục hồi các hoạt động du lịch: “Qua dịch bệnh thì Hội An vẫn nỗ lực để truyền đi thông điệp về một thành phố du lịch hiền hòa, mến khách, thân thiện của người dân Hội An, Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè, du khách. Đây chính là tín hiệu tốt và là nguồn cảm hứng để du khách quay lại với Hội An”.
Ngoài 2 di sản văn hóa thế giới, Quảng Nam cũng đã khôi phục các hoạt động tại các điểm du lịch sinh thái như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; Khu du lịch sinh thái Hồ Phú Ninh; các sản phẩm du lịch biển đảo; du lịch cộng đồng tại khu vực miền núi phía Tây gắn với đời sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Năm Du lịch Quốc gia 2022 là cơ hội để Quảng Nam khẳng định hình ảnh của một điểm đến hấp dẫn, vừa khôi phục ngành du lịch của tỉnh, vừa tạo sức bật cho du lịch cả nước khi chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn.
“Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, tác động xấu đến du lịch cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng. Quảng Nam sẽ có những gói sản phẩm du lịch riêng để hướng vào khách quốc tế, hướng vào khách nội địa tùy theo từng mốc thời gian. Làm sao để các hoạt động phát triển du lịch phải đúng với slogan đặt ra, đó là 'điểm đến du lịch xanh'” - ông Lê Trí Thanh nói./.