Quảng Nam lấy lại đà tăng trưởng kinh tế
Chiều 10.1, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2025.
Tại buổi họp báo, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024.
Theo đó, trong giai đoạn đầu năm 2024, địa phương gặp nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh Covid-19 để lại; tình trạng một số cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né trách nhiệm khiến công việc bị “chững” lại; thiếu hụt vật liệu xây dựng cát, sỏi, đá, đất cho các dự án lớn… Về nhân sự, trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh thiếu lãnh đạo, có khi chỉ có 2 Phó Chủ tịch điều hành.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Quảng Nam đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, tập trung phát triển kinh tế để vượt qua mức tăng trưởng âm của năm 2023. Nếu như quý I năm 2024, kinh tế còn tăng trưởng âm thì các quý còn lại đều tăng trưởng dương, cả năm đạt 7,1%.
Quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người năm 2024 hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực; năm 2024 đạt 27.594 nghìn tỷ đồng, đạt 116,92% dự toán và tăng 10,09% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách năm 2024 là 20,69 nghìn tỷ đồng, đạt 96% dự toán. Tổng vốn đầu tư công năm 2024 là 9.089 tỷ đồng, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân 6.392 triệu đồng, đạt 70,33%; Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên 35.881 tỷ đồng, tăng 390 tỷ đồng so với năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng nêu rõ một số vấn đề còn tồn tại như: Kinh tế vẫn nhiều điểm nghẽn, doanh nghiệp chưa được tháo gỡ hoàn toàn, giải ngân vốn đầu tư công dù đã có cố gắng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng do cơ chế, thiếu vật tư xây dựng khiến các công trình bị đình đốn; tình hình trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; trong bộ máy vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức, viên chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…
Về nhiệm vụ năm 2025, lãnh đạo Quảng Nam cho biết, sẽ tập trung rà soát, khắc phục xử lý các công trình ách tắc, gây lãng phí, tắc nghẽn nguồn vốn đầu tư công của tỉnh. Đối với các dự án chậm triển khai, nhà đầu tư không làm thì kiên quyết thu hồi; tập trung quyết liệt giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư; tạo điều kiện cho hoạt động khai khoáng hoạt động mạnh mẽ; xây dựng chính quyền gần dân, thân thiện với doanh nghiệp.
Chia sẻ về việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, Quảng Nam giai đoạn trước thực hiện rất quyết liệt, giảm được nhiều biên chế: sắp xếp 8 trường Cao đẳng thành 1 trường, sáp nhập giảm 479 thôn, xã… Do đó, trong giai đoạn này, Quảng Nam sẽ thuận lợi hơn so với các địa phương khác.
“Sáp nhập các đơn vị trùng lắp chức năng nhiệm vụ, giảm ít nhất 15 - 20% từ bên trong. Tỉnh kiên quyết thực hiện bằng được chủ trương tinh giảm 20% biên chế. Đến giờ này chưa có ai làm đơn xin nghỉ. Nhưng sắp tới đây, sẽ có rất nhiều cán bộ xin nghỉ bởi Trung ương đã có Nghị định 178 hướng dẫn. Mục tiêu sắp xếp bộ máy là tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu quả nên sắp tới sẽ tiến hành sàng lọc, thay thế những cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực ra khỏi bộ máy…”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo UBND tỉnh cũng như các sở, ngành đã trả lời các vấn đề mà các cơ quan báo chí quan tâm như: việc xử lý sạt lở ở khu vực miền núi; hoàn thiện hạ tầng giao thông; lãng phí cơ sở y tế; xử lý công sở dôi dư sau sáp nhập, tinh giản...