Quảng Nam: Nhiều chuyển biến trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt người đứng đầu tại các đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, việc triển khai Đề án 06 của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ngày 9/8/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã trao đổi với VietNamNet về những chuyển biến trong công tác chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng của tỉnh.
Nhiều chuyển biến tích cực
Công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt kết quả gì, thưa ông?
- Đến nay, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, việc ứng dụng được dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử, căn cước trong quá trình triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến và nhiều tiện ích khác phục vụ phát triển kinh tế xã hội có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN; việc kết nối chia sẻ làm giàu cơ sở dữ liệu dùng chung…
Trong hơn 7 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đầu tiên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt người đứng đầu tại các đơn vị thuộc tỉnh có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn phát huy đúng vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án 06.
Công tác làm sạch, làm giàu dữ liệu dân cư đảm bảo yêu cầu của Đề án 06/CP “đúng, đủ, sạch, sống”; công tác tuyên truyền, triển khai Luật Căn cước 2023, nâng cao tỷ lệ cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và các tiện ích hiện có trên VNeID cho công dân đảm bảo tiến độ…
Các DVC thiết yếu theo Đề án 06 đã được triển khai tương đối đầy đủ; số lượng DVC trực tuyến toàn trình, một phần tăng. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được nâng lên, công tác cải cách TTHC được chú trọng. Điểm số Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp được cải thiện hằng tuần để phục vụ tốt hơn cho người dân, DN.
Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh được đầu tư nâng cấp để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, DN cũng như công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo.
Việc hoàn thiện thể chế phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công được hoàn thiện: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về miễn thu phí, lệ phí (thu không đồng) khi thực hiện thủ tục hành chính thông qua DVC trực tuyến đối với 13 khoản phí, lệ phí thẩm quyền của địa phương…
Đến nay, Tổ Công nghệ số cộng đồng - cánh tay nối dài của các cơ quan hành chính các cấp được thành lập và triển khai 100% tại 18/18 cấp huyện, 241/241 cấp xã, 1212 cấp thôn, khối phố với trên 6970 người tham gia.
Đánh giá tiến độ hàng tuần
Theo Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, từ thực tiễn triển khai, nhiều nhóm nhiệm vụ liên quan nhiều ngành cũng đang gặp khó. Cụ thể, Sở Tư pháp chưa hoàn thành các thủ tục để tiến hành thực hiện công tác số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh; ngành LĐ-TB&XH có nguy cơ không hoàn thành công tác thu thập, cập nhật dữ liệu người lao động theo lộ trình đã đề ra…Vậy UBND tỉnh đã có chỉ đạo thế nào để giúp các đơn vị gỡ khó?
- Đề án 06 là đề án với những nội dung còn mới, việc thực hiện có nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó có công tác số hóa dữ liệu hộ tịch, công tác thu thập, cập nhật dữ liệu người lao động cần gỡ điểm nghẽn, đề ra giải pháp, tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Đối với nhiệm vụ công tác số hóa dữ liệu hộ tịch, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, phê duyệt đề cương và giao Sở Tư pháp chủ trì thực hiện, đến nay Sở đã triển khai các công đoạn cần thiết về khảo sát, tư vấn, xây dựng đề cương, phê duyệt hồ sơ thầu, tổ chức đấu thầu theo đúng quy định. Theo phân cấp về quản lý các dự án công nghệ thông tin hiện nay thẩm quyền đã giao về cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành kết luận và yêu cầu Sở Tư pháp khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024, hằng tuần đánh giá tiến độ kết quả, báo cáo tiến độ…
Đối với nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ cập nhật thông tin người lao động, người có công, đảm bảo tiến độ đã đề ra, UBND tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH khẩn trương hoàn thành để báo cáo UBND tỉnh. Đến nay số liệu người lao động đang được điều tra, thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin người lao động phục vụ quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…
Đối với các nhiệm vụ Đề án 06 có nguy cơ chậm, trễ tiến độ cấp trên giao các cơ quan được giao chủ trì cập nhật tiến độ gửi Công an tỉnh,Văn phòng UBND tỉnh để báo cáo tại phiên họp Tổ công tác Đề án 06 định kỳ.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin đặt lên hàng đầu
Việc triển khai Đề án 06 ở một số đơn vị gặp khó có làm chậm quá trình vận hành công tác chuyển đổi số ở 3 trụ cột (chính phủ số, xã hội số và kinh tế số) trên địa bàn tỉnh không?
- Công tác triển khai Đề án 06 gặp những điểm nghẽn và có khó khăn nhất định, trong đó thể chế về đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn ngân sách chậm được cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành.
Các bộ, ngành đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ như thuê dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) thực hiện một số nhiệm vụ trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC, DVC toàn trình được hoàn thiện.
Hiện chúng tôi đang tập trung rà soát đánh giá tháo gỡ ngay những điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ chung, trong đó phải hoàn thành việc kết nối Trung tâm IOC của tỉnh với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin đặt lên hàng đầu; đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu dân cư để cắt giảm các loại giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính điện tử đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo vận hành thông suốt phục vụ công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Nguyễn Hiền (Thực hiện)