Quảng Nam phấn đấu trở thành trung tâm giống Sâm Ngọc Linh quốc gia giai đoạn 2025-2030
Những năm qua, diện tích trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể. 5 năm qua, hơn 2.300 hộ đã thoát nghèo bền vững nhờ trồng loài dược liệu được mệnh danh là Quốc bảo.
Từ năm 2004 đến nay, anh Hồ Văn Rủi, ở thôn Tak Ngo, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My đã được Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam hỗ trợ hàng trăm cây sâm giống. Từng là hộ nghèo tại xã Trà Linh, đến nay, Hồ Văn Rủi đã có trong tay cả chục tỷ đồng khi sở hữu vườn sâm Ngọc Linh quy mô. Hồ Văn Rủi cho biết, cuộc sống của anh sẽ còn luẩn quẩn trong vòng nghèo khó nếu không trồng cây sâm.
“Cây sâm giống của Trung tâm (Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam) cấp cho dân phát triển rất tốt, trồng 3 năm sau là ra hoa, cho hạt rồi. Nếu không có cây sâm giống thì dân khó lắm, có cây sâm thì mua sắm nhiều thứ, làm nhà cửa, mua xe cộ”, anh Hồ Văn Rủi nói.
Để có cây sâm giống cấp cho người dân, 16 cán bộ, nhân viên Trạm dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam phải vất vả ngày đêm nơi núi cao rừng thẳm để chăm bẵm nâng niu từng chồi non. Trạm Dược liệu Trà Linh nằm trên núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My cheo leo nơi đỉnh trời với độ cao trên 2.500m. Ở nơi quanh năm mây phủ này, cuộc sống và công việc của cán bộ, nhân viên nơi đây gắn bó với cây sâm.
Anh Trần Xuân Huấn, Trưởng Trạm dược liệu Trà Linh cho biết, suốt 15 năm làm việc tại đây, việc chăm sóc cây sâm luôn tuân thủ quy trình từ lựa chọn, xử lý kỹ lưỡng mùn tự nhiên trước khi lên luống để gieo hạt, rồi các khâu chăm sóc cây sâm giống tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, làm việc với tinh thần trách nhiệm. Để cây sâm giống sinh trưởng tốt, ngoài giải pháp sinh học thì phải giữ môi trường tự nhiên dưới tán rừng nguyên sinh, bảo vệ thực bì để giữ độ ẩm.
“Cây sâm non là chăm khó khăn nhất, rất dễ bị sâu bệnh, nếu mình không chăm sóc thường xuyên, không kiểm tra hàng ngày, hàng giờ là sâu bệnh xuất hiện rất nhanh. Công tác kỹ thuật chăm sóc phải rất kỹ lưỡng”, anh Trần Xuân Huấn cho biết.
Hiện Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã ban hành Bộ tiêu chí đối với cây sâm Ngọc Linh giống 1 năm tuổi. Tỷ lệ cây sâm giống sống và sinh trưởng tốt khi bàn giao cho người dân trồng tăng lên đáng kể theo từng năm. Trung tâm được tỉnh Quảng Nam giao quản lý 50 hecta rừng, hiện đã có gần 10 hecta được khai thác, sử dụng để phát triển cây sâm Ngọc Linh bản địa với trên 152.000 cây.
Ông Trần Ngọc Bằng, Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam cho biết, mỗi năm, trung tâm sản xuất gần 50.000 cây giống để cung ứng cho người dân và doanh nghiệp: “Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 41, hỗ trợ cho người dân 80% giá trị cây sâm giống để người dân phát triển sản xuất. Ngoài ra còn cung ứng cho các doanh nghiệp để phát triển vùng sâm để tạo nên vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa theo hướng chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh”.
Tỉnh Quảng Nam đã trình Chính phủ “Chương trình Quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045", đặt mục tiêu đưa tỉnh này trở thành Trung tâm giống Sâm Ngọc Linh quốc gia giai đoạn 2025-2030, hàng năm sản xuất từ 5 đến 10 triệu cây sâm giống. Những năm qua, diện tích trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ngày càng mở rộng, nếu năm 2014 có 150 hecta, thì nay đã tăng lên hơn 1.600 hecta. Quảng Nam đang tập trung nghiên cứu di thực, mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh ra một số huyện miền núi khác có điều kiện khí hậu tương đồng. Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, để làm được điều này, Quảng Nam tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn nguồn gen gốc, nghiên cứu, làm chủ kỹ thuật gieo ươm, tăng năng lực sản xuất giống sâm Ngọc Linh.
“Tập trung bảo tồn giống gốc cây sâm Ngọc Linh, không được để lai tạp các loại sâm khác; nghiên cứu mở rộng diện tích, ưu tiên những người có kinh nghiệm trồng sâm truyền đạt lại cho những hộ khác để đầu tư bài bản hơn, chất lượng cây sâm tốt hơn. Đối với những hộ nghèo thì Chính quyền địa phương phải tiếp tục hỗ trợ cây giống, vật tư, đất sản xuất để họ thoát nghèo”, ông Phan Việt Cường cho biết thêm./.