Quảng Nam phát triển Điện Bàn trở thành đô thị kết nối
Tỉnh Quảng Nam sẽ chuyển chức năng đô thị Điện Bàn từ 'đô thị vệ tinh' sang 'đô thị kết nối', trở thành cụm động lực phát triển phía Bắc của tỉnh.
Ngày 18/5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Trí Thanh về việc thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cơ bản thống nhất với các nội dung đồ án quy hoạch thị xã Điện Bàn; cơ bản thống nhất các tuyến giao thông trong đồ án. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ thực trạng mạng lưới giao thông tại khu vực và mạng lưới giao thông theo quy hoạch đã duyệt để tính toán, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch hợp lý; Xác định rõ các trục giao thông động lực, kết nối liên vùng theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây để tập trung đầu tư hình thành trên thực tế.
Ông Lê Trí Thanh thống nhất chuyển chức năng đô thị Điện Bàn từ “đô thị vệ tinh” sang “đô thị kết nối” để kết nối phát triển cùng với các khu vực xung quanh như thành phố Đà Nẵng, Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên. Xác định các địa phương Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên là cụm động lực phát triển phía Bắc của tỉnh nên phải tính toán, quy hoạch, đề xuất các cầu qua sông để kết nối liên vùng và kết nối với Đà Nẵng. Quy hoạch phát triển đô thị Điện Bàn phải có tính chất khác biệt, nét độc đáo phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử,... của thị xã Điện Bàn tạo động lực phát triển để thu hút, tăng dân số cơ học đảm bảo mục tiêu nâng loại đô thị trong tương lai.
Thị xã Điện Bàn sẽ trở thành đô thị kết nối với thành phố Đà Nẵng.
Ngoài ra, định hướng quy hoạch, phát triển công nghiệp tại khu vực xã Điện Tiến để di dời các nhà máy công nghiệp trong khu vực nội thị Điện Bàn cần xem xét các loại hình công nghiệp phải di dời, các cụm công nghiệp cần di dời để đề xuất lộ trình, kinh phí di dời phù hợp. Định hướng phát triển công nghiệp tại xã Điện Tiến là công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; gắn phát triển công nghiệp tại khu vực xã Điện Tiến với phát triển đô thị Điện Hòa và Điện Tiến theo hướng “đô thị sáng tạo”.
Ngoài ra, quy hoạch một phần phường Điện Ngọc khu vực ven thành phố Đà Nẵng, giáp sông Vĩnh Điện thành đô thị công nghệ thông tin để đón đầu ngành công nghiệp số trong tương lai. Cụm khu vực Vĩnh Điện - Điện Minh - Điện Phương phát triển theo hướng đô thị hành chính, khu vực Điện Minh được định hướng mở rộng Trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn, khu vực Điện Phương phát triển theo hướng đô thị làng quê sinh thái. Cụm Điện Thắng Bắc - Điện Thắng Trung - Điện Thắng Nam định hướng phát triển cụm đô thị chung theo hướng đô thị hiện đại dọc Quốc lộ 1A. Khu vực từ phía Tây Điện An đến Điện Hồng (giáp Đại Lộc) phát triển thành đô thị nông thôn gắn với vùng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Khu vực Gò Nổi phát triển theo mô hình nông thôn mới kiểu mẫu đặc trưng của khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam. Khu vực Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, phía Tây đường ĐT607 và khu vực ven biển: rà soát, khớp nối các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị đã phê duyệt và đang được lập để phát triển chức năng đô thị mới, đô thị hiện đại, dịch vụ, du lịch, giải trí.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam giao UBND thị xã Điện Bàn, đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các thành viên dự họp để hoàn thiện đồ án; tổng hợp hồ sơ, gửi Sở Xây dựng để kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến và phê duyệt theo đúng quy định.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045, có phạm vi lập quy hoạch là ranh giới hành chính toàn thị xã diện tích 21.632ha. Hướng phát triển đô thị về phía Bắc và Nam là hướng phát triển gắn liên kết Đà Nẵng – Hội An về không gian du lịch biển, không gian đô thị ven sông. Mật độ xây dựng sẽ giảm dần về phía Hội An; về phía Đông – Tây hướng phát triển gắn với tăng cường kết nội nội vùng, du lịch ven sông Thu Bồn, gắn với trục hành lang Đông – Tây. Mật độ xây dựng sẽ giảm dần về phía Tây.