Quảng Nam quan tâm khôi phục, phát triển làng nghề

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm khôi phục và phát triển làng nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), bước đầu đã tạo ra những sản phẩm có giá trị; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm khôi phục và phát triển làng nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), bước đầu đã tạo ra những sản phẩm có giá trị; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phát triển làng nghề gắn với xây dựng NTM

Trở lại làng nghề đúc đồng Phước Kiều (xã Ðiện Phương, thị xã Ðiện Bàn) vào những ngày đầu tháng 7, giữa cái nắng nóng như đổ lửa của miền trung, chúng tôi cảm nhận được sức sống của làng nghề sau những ngày ngừng nghỉ do dịch Covid-19. Các lò đúc đỏ lửa và các điểm bán hàng dọc hai bên quốc lộ 1A cũng thường xuyên mở cửa, bày bán sản phẩm nổi tiếng của làng nghề được chế biến từ đồng như: chuông, chiêng, lư…

Ðưa chúng tôi đi thăm nhà thờ tổ nghề đúc truyền thống Phước Kiều và một số cơ sở đúc, quầy trưng bày sản phẩm trong làng, nghệ nhân Dương Ngọc Sang, 85 tuổi, Trưởng làng đúc đồng Phước Kiều, người đã gắn bó với làng nghề đúc đồng này từ khi mới 14 tuổi tâm sự: Làng nghề đúc đồng Phước Kiều có từ lâu đời và đã trải qua những bước thăng trầm. Trong 10 năm gần đây, làng được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ khôi phục; nhiều sản phẩm được khách hàng trong nước ưa chuộng.

Nghệ nhân Ưu tú Dương Ngọc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều cho biết, hiện làng đúc đồng Phước Kiều có 20 hộ (với hơn 100 khẩu) còn gắn bó, giữ gìn nghề ông cha để lại. Tuy nhiên, phần lớn chỉ trưng bày, giới thiệu và buôn bán sản phẩm, chỉ còn sáu hộ trực tiếp đúc đồng, nhưng quy mô không lớn. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và cung cấp cho thị trường trong nước hàng chục nghìn sản phẩm các loại, với tổng doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Hiện tại, làng đúc đồng Phước Kiều giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động, với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Thị xã Ðiện Bàn là địa phương có nhiều nghề và làng nghề truyền thống. Năm 2004, Ðiện Bàn có sáu làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận và đến nay đã có bốn làng nghề truyền thống được khôi phục, đi vào hoạt động. Ngoài ra, thị xã còn có hai nghề (mộc mỹ nghệ và mỹ nghệ đất nung ở xã Ðiện Phương) được công nhận là nghề truyền thống. Bước đầu các nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn thị xã đã tạo việc làm cho gần 400 lao động tại địa phương (với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng) và tổng doanh thu từ các làng nghề mỗi năm hơn 40 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thị xã Ðiện Bàn Trần Úc cho biết, những năm qua, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA… thị xã đã đầu tư xây dựng các công trình như: Nhà trưng bày làng đúc đồng Phước Kiều, đường vào làng nghề Ðông Khương... Ðặc biệt, Ðiện Bàn đã triển khai xây dựng Cụm làng nghề Ðông Khương (xã Ðiện Phương) gắn với phát triển du lịch (trên diện tích gần 10 ha), với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng. Ðến nay, nhiều hạng mục đã được xây dựng, với kinh phí gần 12 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của thị xã đầu tư. Các làng nghề được khôi phục mở ra triển vọng mới trong du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội; góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Nhờ vậy, vào năm 2015, Ðiện Bàn là một trong hai địa phương của tỉnh được Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM.

Cùng với thị xã Ðiện Bàn, những năm gần đây, TP Hội An và các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình… luôn chú trọng bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM và đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Trong đó, TP Hội An đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị làng nghề truyền thống.

Ðến nay, Hội An đã xây dựng làng nghề trồng rau Trà Quế, làng nghề mộc Kim Bồng, làng nghề gốm Thanh Hà, làng tre dừa nước Cẩm Thanh… thành những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Và từ nguồn thu du lịch, thành phố đã đầu tư lại cho làng nghề, tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn; góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân và đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Mai Ðình Lợi cho biết, trên địa bàn tỉnh có 45 làng nghề, làng nghề truyền thống, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghề như: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, đan lát và cơ khí... Tại các làng nghề, hiện có 3.341 cơ sở sản xuất, chế biến, tạo việc làm cho hơn 6.500 lao động, với thu nhập bình quân từ 0,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện có 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; trong đó, có 22 làng nghề truyền thống và tám làng nghề, giải quyết việc làm cho 5.240 lao động, với thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, ngân sách tỉnh đã đầu tư hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển làng nghề gần 110 tỷ đồng.

Tăng cường nguồn lực cho làng nghề

Việc phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM tại Quảng Nam thời gian qua còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ. Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Nam Ðỗ Vạn Lộc nhìn nhận, sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề nông thôn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết; sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, nhiều cơ sở sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, không ổn định, giá cao; mẫu mã sản phẩm không đa dạng; giá thành càng cao, sức cạnh tranh càng kém; không gian một số làng nghề quá chật hẹp. Phần lớn người lao động tại các làng nghề đều ở tuổi trung niên, lớn tuổi, già yếu, mất sức lao động; sản xuất tại các làng nghề theo kiểu lấy công làm lời, chưa thích ứng, năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường. "Do thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên lao động trẻ không gắn bó với nghề của làng, chuyển dịch sang các công việc khác dẫn đến việc cấy nghề, truyền nghề gặp nhiều khó khăn"- ông Lộc chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Ngô Tấn cho biết, chủ trương của tỉnh đặt ra trong những năm tới là bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM; tiếp tục khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, mang dấu ấn, thương hiệu của làng nghề Quảng Nam. Mục tiêu chính của phát triển làng nghề là góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Do vậy, phát triển làng nghề phải trên cơ sở hài hòa giữa sản xuất hàng hóa với bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Ði liền với đó là phát triển sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm gia tăng giá trị và phát triển bền vững hơn.

Thực hiện chủ trương đó, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục quy hoạch làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với các điểm, tuyến du lịch, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các làng nghề một cách bền vững.

Rà soát lại các làng nghề đã có quy hoạch, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đến các khu, cụm công nghiệp, cụm làng nghề đã được quy hoạch. Tiếp tục đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề. Ưu tiên cho các đối tượng làng nghề vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng với thủ tục đơn giản, thời hạn và lãi suất vay phù hợp đặc điểm sản xuất ngành nghề. Ðồng thời hỗ trợ các cơ sở ngành nghề tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, xem đây là giải pháp quan trọng để phát triển sản phẩm ngành nghề và làng nghề nông thôn.

TẤN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/quang-nam-quan-tam-khoi-phuc-phat-trien-lang-nghe--608100/