Quảng Nam: Sơ tán hàng nghìn người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai tuyên truyền, vận động sơ tán gần 4.000 hộ dân ở khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao về sạt lở đất.
Ngày 16/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó với mưa lớn và thời tiết nguy hiểm trên biển.
Theo đó, qua quan trắc, mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất ở 13 huyện trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện Bắc Trà My triển khai tuyên truyền, vận động sơ tán 1.100 hộ với 3.790 khẩu ở khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao về sạt lở đất. Hiện đã sơ tán 45 hộ với 167 khẩu thuộc các xã Trà Bui, Trà Tân, thị trấn Trà My, Trà Đông và Trà Kót. Đối với các hộ chưa sơ tán, chính quyền địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, vận động sơ tán.
Tại huyện Đại Lộc đã sơ tán 3 hộ với 8 khẩu có nhà bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sạt lở đất tại thị trấn Ái Nghĩa và có kế hoạch sơ tán 11 hộ còn lại trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Tại huyện Nam Giang sơ tán 2 hộ với 8 khẩu trong vùng nguy cơ sạt lở tại xã Đắc Tôi và xã Zuôih.
Hiện 5 hồ thủy điện lớn trên địa bàn gồm: A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 mực nước hiện tại đã ngang mực nước đón lũ. Các hồ thủy điện đang vận giảm lũ, tạo dung tích phòng lũ chủ động ứng phó đợt mưa lũ và chuyển chế độ vận hành theo quy định.
Đợt mưa lũ vừa qua đã làm 10 ngôi nhà bị sạt lở. Trong đó, 7 nhà ở huyện Nam Giang và 3 nhà ở huyện Bắc Trà My; huyện Núi Thành có 1 nhà bị tốc mái do lốc xoáy.
Về sản xuất nông nghiệp, huyện miền núi Nam Giang bị thiệt hại nặng nề. 1.250m2 diện tích ao nuôi cá truyền thống bị thiệt hại trên 70%, 50m2 diện tích ao nuôi cá truyền thống bị thiệt hại từ 30-50%. Mưa lũ đã làm 5 con bò, 3 con heo, 1 con dê bị chết do mưa lạnh và bị cuốn trôi.
Trong đợt mưa lớn từ ngày 13/11 đến nay đã sạt lở nhiều tuyến đường ĐH ước khoảng 20.870m3 đất đá, trong đó: Nam Trà My 350m3, Phước Sơn 20.000m3, Nông Sơn 520m3.
Tại huyện Đại Lộc, sạt lở bờ sông Vu Gia chiều dài khoảng gần 100m chiều sâu từ 4-5 m; UBND huyện đã kiểm tra và đưa ra phương án khắc phục tạm thời bằng đóng cọc tra bỏ bao cát theo taluy để giữ tạm không cho ảnh hưởng tuyến giao thông đi ra thôn 10 xã Đại Cường.
Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam dự báo từ nay đến ngày 18/11, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến như sau: các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Bắc tỉnh phổ biến từ 40-100mm, có nơi trên 150mm, các địa phương vùng núi phía Nam tỉnh phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm. Từ ngày 18/11 tình hình mưa ở các địa phương trong tỉnh tiếp tục giảm dần và kết thúc đợt mưa lớn này.