Quảng Nam tăng 1 bậc về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp
Tính đến ngày 3/6, tỉnh Quảng Nam xếp vị trí 15/63 tỉnh thành về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đạt 79,6 điểm (bình quân cả nước là 72,2 điểm). Như vậy, chỉ sau 2 tuần, chỉ số này tăng 1 bậc (ngày 20/5, Quảng Nam xếp thứ 16/63).
Số liệu Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố được Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cập nhật thông tin chiều 3/6.
Văn phòng UBND tỉnh cho biết, theo số liệu được trích xuất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia ngày 3/6, Sở Công Thương tiếp tục dẫn đầu bảng tổng điểm, phân loại, xếp hạng sở, ban, ngành cấp tỉnh năm 2024 với 91,15 điểm, xếp loại xuất sắc.
7 sở được xếp loại tốt gồm: Ngoại Vụ (86,72 điểm), KH&CN (85,19 điểm), NN&PTNT (83,31 điểm), Giao thông vận tải (83,15 điểm), GD-ĐT (82,96 điểm), Tư pháp (82,48 điểm), VH,TT&DL (80,73 điểm)...
Ở bảng tổng điểm, phân loại, xếp hạng 18 huyện, thị xã, thành phố có 13 huyện được xếp loại tốt, gồm: Nam Giang, Hiệp Đức, Đại Lộc, Tiên Phước, Hội An, Nam Trà My, Điện Bàn, Núi Thành, Duy Xuyên, Bắc Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang…
Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đạt 79.6 (bình quân cả nước 72,2 điểm); xếp vị trí 15/63. Trong đó có 2 chỉ số tăng điểm gồm: Công khai, minh bạch tăng 0,8 điểm; Số hóa hồ sơ tăng 0,1 điểm.
Số liệu cụ thể như sau:
Công khai, minh bạch đạt 13/18 điểm, bình quân cả nước là 10,4 điểm; tăng 0,8 điểm.
Tiến độ giải quyết 18,1/20 điểm, bình quân cả nước là 18,2; không tăng điểm.
Dịch vụ công trực tuyến đạt 7,8/12 điểm, bình quân cả nước là 6,1 điểm; giảm 0,1 điểm.
Thanh toán trực tuyến đạt 7,7/10 điểm, bình quân cả nước là 6,4 điểm; không tăng điểm.
Mức độ hài lòng tỉnh đạt 17,6/18 điểm, bình quân cả nước là 17,4 điểm; không tăng điểm.
Số hóa hồ sơ 15,4/22 điểm, bình quân cả nước là 13,6; tăng 0,1 điểm.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký văn bản gửi Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số…nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ ở 7 lĩnh vực.
7 lĩnh vực gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu trong thực hiện công tác CCHC được căn cứ vào kết quả xếp hạng công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương hằng năm.
Ngày 3/6, UBND huyện Thăng Bình ban hành kế hoạch triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện năm 2024.
Theo đó, mục tiêu là triển khai hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng ở tất cả các thôn, khu phố thuộc 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tùy theo đặc thù, mỗi thôn/khu phố có thể có nhiều hơn 01 tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
Lộ trình đặt ra trong năm 2024 có 100% thành viên tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn về cách thức triển khai nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số cho với người dân. Phấn đấu 80% số hộ gia đình trong thôn/khu phố được tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn triển khai cài đặt các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số; 50% số hộ gia đình có thành viên cài đặt app công dân số (Smart Quảng Nam); 50% số hộ gia đình có thành viên có tài khoản thanh toán điện tử; 30% số hộ gia đình có thành viên có chữ ký số…