Quảng Nam thông tin về việc sáp nhập với Đà Nẵng

Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết tên gọi và địa điểm đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng là 2 nội dung nhận được sự quan tâm lớn.

Ngày 17-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Đề cương tuyên truyền thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh.

Đề cương nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu đúng các quan điểm, chủ trương, phương án và lộ trình về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam

Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam

Trong đề cương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thông tin về việc sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, trong lịch sử, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng vốn là một nên việc hợp nhất hai địa phương là rất phù hợp và cần thiết nhằm mở rộng không gian phát triển, cùng nhau tạo ra sức mạnh phát triển mới.

"So sánh giữa 2 địa phương, ưu thế của địa phương này sẽ hỗ trợ cho địa phương kia. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, triển khai các mô hình mới, kể cả việc điều chỉnh đơn vị hành chính đã trở thành yêu cầu cấp thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển. Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế vốn có của 2 địa phương" - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nêu.

Theo dự kiến, sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành 1 thành phố trực thuộc Trung ương có tên gọi là TP Đà Nẵng, đặt trung tâm hành chính – chính trị (HC-CT) tại TP Đà Nẵng hiện nay.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay tên gọi và địa điểm đặt trung tâm HC-CT là 2 nội dung nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà trong suốt thời gian qua và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản tổng hợp, đề xuất, kiến nghị. Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh nói riêng và nhiều tỉnh trong phạm vi cả nước nói chung đã được Trung ương tổng hợp đầy đủ và phân tích thấu đáo.

Qua căn cứ các tiêu chí, nguyên tắc về đặt tên gọi, địa điểm đặt trung tâm HC-CT và bối cảnh, yêu cầu tình hình thực tiễn hiện nay, Trung ương thống nhất dự kiến tên gọi và dự kiến đặt trung tâm HC-CT đối với 2 địa phương như đã nêu trên.

"Có thể nói, cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của đất nước, tỉnh ta đã và đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh sự kỳ vọng, đồng thuận, còn có nhiều băn khoăn, lo lắng về việc dôi dư cán bộ, công chức, thất nghiệp; việc sáp nhập sẽ khó khăn về môi trường, điều kiện làm việc, đi lại; chế độ, chính sách có liên quan; việc làm thủ tục hồ sơ, thay đổi giấy tờ pháp lý; việc đặt tên và nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính mới" - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nhìn nhận.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết đối với những dư luận, tâm tư, tình cảm, phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đã, đang và sẽ được cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận, nghiên cứu và có giải pháp đồng bộ để giải quyết.

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức và ảnh hưởng ít nhiều đến người dân, doanh nghiệp…

Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính là xu thế thời đại và là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn của đất nước, của địa phương trong việc khắc phục bất cập về thể chế, điểm nghẽn, chống sự lãng phí nguồn lực; yếu kém trong quản lý. Đây là một cuộc cách mạng, chuẩn bị cho "tầm nhìn 100 năm" phát triển đất nước; là tiền đề, điều kiện, cơ sở để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kêu gọi các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cuộc cách mạng quan trọng này...

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, hiện nay, đối với tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, mỗi địa phương đều đang tồn tại những vấn đề.

Đối với Đà Nẵng đang đứng trước thách thức với nền kinh tế quy mô nhỏ, GRDP của Đà Nẵng chỉ chiếm 1,5% GDP của cả nước; chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực phát triển; vai trò kết nối vùng của Đà Nẵng, đặc biệt là kết nối với Quảng Nam và các địa phương khác ở miền Trung chưa được phát huy đầy đủ.

Đối với Quảng Nam cũng có những hạn chế, với 6 huyện miền núi cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên; hạ tầng còn nhiều tồn tại; chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là vùng miền núi, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều.

Trần Thường

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quang-nam-thong-tin-ve-viec-sap-nhap-voi-da-nang-196250417165941419.htm