Quảng Nam: Tìm giải pháp căn cơ giữ bờ biển trước nguy cơ xâm thực
Quảng Nam đã có nhiều giải pháp cấp thiết để khắc phục tình trạng xói lở, bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực và bước đầu phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên mới triển khai được khoảng 1,7km/6km bờ biển cần được bảo vệ.
Chiều 9-9, UBND tỉnh Quảng Nam và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) phối hợp tổ chức hội thảo “Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An”.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở vùng biển Cửa Đại của Hội An những năm gần đây diễn ra rất phức tạp. Quảng Nam đã có nhiều giải pháp, công trình cấp thiết để khắc phục tình trạng xói lở, bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực và bước đầu phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên mới triển khai được khoảng 1,7km/6km bờ biển cần được bảo vệ.
Các công trình bảo vệ bờ biển thời gian qua còn mang tính tự phát, riêng lẻ, chưa hiệu quả và thiếu bền vững, chưa giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Do đó, cần một chiến lược bảo vệ tổng hợp cùng cách thức quản lý vùng đới bờ phù hợp, hiệu quả.
Hiện AFD hỗ trợ Quảng Nam triển khai Dự án bảo vệ 5km bờ biển kể từ Cửa Đại lên phía Bắc. Dự kiến trong năm 2024 thông qua sự kết hợp giữa các công trình bảo vệ là kè phá sóng ngầm và kè mỏ hàn cùng với đổ cát nuôi bãi trên bờ biển dài 5km từ Cửa Đại tới khách sạn Victoria; áp dụng một phương thức tiếp cận tổng thể đối với toàn bộ bờ biển từ Sơn Trà (Đà Nẵng) tới Tam Hải; đổ cát nuôi bãi hy sinh tại khu vực mở rộng ở bờ biển phía Bắc.
Nhóm chuyên gia Denis Vasseur, Trưởng nhóm quản lý dự án AFD và Claus Pedersen của Viện thủy lực Đan Mạch cho rằng, việc "nuôi bãi hy sinh" sẽ thiết lập lại sự cân bằng trầm tích và giảm nguy cơ xói mòn cho các bãi biển xa hơn về phía Tây Bắc. Phương án này phù hợp để chống chịu với biến đổi khí hậu do các bãi biển tự điều chỉnh theo mực nước biển dâng.
Khối lượng cát nuôi bãi ước tính khoảng 100.000 đến 200.000 m3/năm.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất sử dụng khối lượng cát từ cồn cát thấp tự nhiên ở phía Bắc làm vùng đệm chống xói mòn; dùng “giải pháp mềm” là bảo vệ chân kè như ở bãi biển An Bàng thay cho việc sử dụng vật liệu tự nhiên như cấu trúc tre và trồng thảm thực vật…
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An mong muốn Dự án sớm được triển khai. Đồng thời đề xuất Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam khẩn trương có phương án thi công tại vị trí sạt lở cuối tuyến đê kè ngầm 1.500m - khu vực có nguy cơ xâm thực, nhằm đảm bảo an toàn cho dân cư tại đây.