Quảng Nam triển khai nhiều giải pháp phòng chống bệnh SXH
Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận có gần 4.900 ca mắc SXH. Dịch SXH đã bùng phát tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam.
Theo ghi nhận, tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hiện có hàng chục ca mắc SXH đang được điều trị. Chị Huỳnh Thị Cúc (trú xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành) cho biết lúc phát sốt, chị cứ nghĩ bị sốt thông thường nên nhờ người nhà đi mua thuốc về uống. Sau đó, toàn thân chị Cúc bị nhức mỏi, không đi nổi và đưa được ra Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chữa trị. Tại đây, sau khi xét nghiệm máu, chị Cúc được biết mình đã bị SXH.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, tính đến hết tháng 9-2019, số lượng bệnh nhân SXH nhập viện là 358 trường hợp, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Từ đầu tháng 10-2019 đến nay, số lượng bệnh nhân SXH nhập viện tiếp tục tăng lên 82 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 440 trường hợp. Trong đó có nhiều ca mắc SXH có biểu hiện nặng, bị sốc SXH và một số trường hợp là xuất huyết phải truyền máu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận có gần 4.900 ca mắc SXH. Trong đó, chỉ tính từ ngày 1-10 đến nay, số ca mắc SXH ở tỉnh Quảng Nam là 1.255 ca. Dịch SXH đã bùng phát tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam.
Dự báo, tháng 11 sẽ là đợt cao điểm dịch SXH bùng phát, do vậy, thời gian tới ngành Y tế tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, vận động để dập dịch và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam, đánh giá SXH năm nay gia tăng và đặc biệt, thời gian đỉnh bệnh thường là các tháng 9, 10 và 11. Đó là những tháng mà số người mắc tăng cao nhất.
Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam đã hướng dẫn các địa phương chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh và cũng đã chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, máy phun,… cấp về cho các địa phương để sẵn sàng triển khai công tác phun hóa chất diệt muỗi. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng tích cực phát hiện, cương quyết không để xảy ra tình trạng tử vong do SXH.
Được biết, SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị theo triệu chứng. Vì vậy, để phòng bệnh SXH, người dân cần tăng cường diệt bọ gậy, ngủ màng tránh bị muỗi đốt. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và chữa bệnh theo phát đồ điều trị.