Quảng Nam: Xác định vùng xung yếu, đảm bảo an toàn hồ đập
Mùa mưa lũ ở Quảng Nam thường bắt đầu từ tháng 9 hằng năm, gây sạt lở ở miền núi và ngập lụt trên diện rộng ở vùng đồng bằng. Do vậy, quản lý an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều tiết nguồn nước, xác định vùng xung yếu để có phương án phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân luôn luôn là yêu cầu cấp bách.
Đập Para xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được xây dựng cách đây 20 năm. Đây là công trình lưỡng dụng, vừa kết hợp ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết lũ kết hợp với giao thông nối vùng đông huyện Duy Xuyên với bên ngoài. Trước mùa mưa lũ năm nay, đơn vị quản lý đập Para Duy Thành đã tiến hành sửa chữa những hạng mục bị xuống cấp để hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên do thời hạn sử dụng khá dài, đập Para Duy Thành cũng như nhiều công trình khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên đang đặt ra những vấn đề cấp bách trước khi mùa mưa lũ đến.
Ông Lê Trung Thưởng, Thường trực Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn xã Duy Thành cho biết, ngoài nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và kết hợp giao thông, đến mùa mưa lũ, hệ thống van của đập Para được vận hành theo quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xả lũ, giảm ngập cho xã Duy Thành, thị trấn Nam Phước và các vùng phụ cận. Tuy được sửa chữa nhưng do thời hạn sử dụng đã lâu, tại con đập xuất hiện ngày càng nhiều vết nứt và xuống cấp ngày càng nặng, khả năng bị hư hại là khó tránh khỏi.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Đặng Hữu Phúc, trên địa bàn huyện có nhiều công trình thủy lợi lớn như đập Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, hồ Phú Lộc..., dung tích mỗi hồ lên đến hàng triệu mét khối. Đối với những hồ lớn này, địa phương phối hợp với đơn vị quản lý thường xuyên theo dõi diễn biến, khả năng tích nước, nhất là lượng nước về hồ khi mùa mưa bắt đầu. Đối với hồ có dung tích nhỏ do địa phương quản lý, các đơn vị tăng cường công tác quản lý, giám sát, kịp thời xử lý khi có sự cố. Các địa phương cũng đã xây dựng phương án di dời dân đến nơi an toàn một cách nhanh nhất khi có sự cố về hồ đập, xác định vùng xung yếu, vùng thường xuyên chịu tác động của lượng nước đổ về từ thượng nguồn để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trên các công trình chống sạt lở ven sông, vùng trũng thấp, hơn 70 hồ chứa, đập dâng, kè chống sạt lở thuộc các huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng (gồm Thăng Bình, Núi Thành, Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An) và các huyện miền núi thường xuyên xảy ra sạt lở (như Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My), công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều để xác định trọng điểm xung yếu ở lưu vực các con sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn và xây dựng phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm đang được các địa phương quyết liệt thực hiện. Các công trình đang thi công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn vượt lũ, điều tiết lũ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, là địa phương thường xuyên bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, do đó UBND huyện có kế hoạch phòng tránh thiên tai rất sớm, xác định vùng xung yếu đến từng xã để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đối với các công trình xây dựng, huyện Nam Trà My yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo an toàn vượt lũ, có kế hoạch và phương án bảo vệ tài sản một cách cụ thể để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đối với dân sinh, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng chống thiên tai, đến nay huyện Nam Trà My đã tiến hành sắp xếp lại gần 400 hộ theo phương thức xen ghép và tái định cư tập trung. Điển hình như Khu dân cư Bằng La được xây dựng trên diện tích hơn 6 ha để bố trí tái định cư ổn định lâu dài cho 36 hộ đồng bào có nhà ở bị mưa lũ gây sạt lở, cuốn trôi và hư hại hoàn toàn vào mùa mưa lũ năm 2020. Hiện tại, cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường giao thông, trường học và nhà sinh hoạt cộng đồng, kè chống sạt lở và công trình chống ngập úng cho khu tái định cư Bằng La đã được xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn thông tin thêm.
Về khả năng ứng phó của hệ thống đê kè và hồ đập thủy lợi trong mua mưa sắp đến, ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết: Hệ thống đê ngăn mặn của tỉnh Quảng Nam chủ yếu nằm dọc trên sông Trường Giang và 73 hồ chứa thủy lợi, hiện tại các hồ đều ở mực nước thấp. Trước mùa mưa lũ năm nay, các địa phương, các đơn vị quản lý hồ đập đang tập trung sửa chữa, nâng cấp để sẵn sàng đón lũ, các phương án điều tiết nguồn nước từ thượng nguồn cũng đã lên kịch bản chi tiết để vận hành. Mặt khác, Sở yêu cầu đơn vị thi công các công trình nâng cấp, sửa chữa hồ đập phải tập trung lực lượng để thi công đảm bảo an toàn vượt lũ, xây dựng phương án tránh lũ, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống lũ lụt.