Quảng Ngãi cần mạnh tay với dự án treo

Để tạo điều kiện cho người dân địa phương ổn định cuộc sống, tránh lãng phí tài nguyên đất, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cần quyết liệt hơn trong đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Cùng đó, tích cực xử lý dứt điểm những vướng mắc mà DN và người dân đang phải đối mặt…

Treo từ đô thị…

Nhà xuống cấp đổ sập, nhưng không được sửa chữa; con cái lập gia đình ở riêng, nhưng không thể làm nhà để ở; không thể mua bán, chuyển nhượng khi có nhu cầu... Đó là thực trạng chung tại các dự án treo mà người dân Quảng Ngãi phải đối mặt. Cuộc sống của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chậm tiến độ. Có nhiều dự án, kéo dài lên đến hàng chục năm vẫn chưa triển khai… khiến chính quyền địa phương đau đầu tìm giải pháp tháo gỡ.

Người dân trong vùng dự án treo đối mặt với nhiều khó khăn

Người dân trong vùng dự án treo đối mặt với nhiều khó khăn

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, cương quyết thu hồi những dự án chậm triển khai do nhà đầu tư không đủ năng lực, nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tránh lãng phí quỹ đất đầu tư. Thực tế cho thấy, đã có nhiều dự án chậm triển khai bị thu hồi giao lại cho các DN có đủ năng lực đầu tư.

Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng dự án chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn vẫn diễn ra, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự; cuộc sống của người dân bị xáo động.

Một trong những dự án gây bức xúc cho người dân là Vina Universal Paradise do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư. Dự án được lập với vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỷ đồng, song suốt 10 năm vẫn nằm trên giấy.

Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư năm 2008, với tổng vốn đăng ký là 1.196 tỷ đồng, quy mô 56,5ha. Ngay sau khi được cấp chủ trương đầu tư, Tập đoàn Tân Tạo đã tiến hành đền bù khoảng 4,6ha đất trồng lúa của người dân và tiến hành đổ đất, san nền, tạo quỹ đất để bố trí tái định cư và khai thác. Lúc bấy giờ, người dân trong vùng háo hức, bởi dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt vùng đất chuyên trồng lúa này.

Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Theo một số người dân Tổ dân phố Liên Hiệp 1C, phường Trương Quang Trọng, TP. Quảng Ngãi, năm 2009, Tập đoàn Tân Tạo thu hồi hết đất ruộng, đền bù mỗi sào (500m2) là 80 triệu đồng, hứa sẽ tạo điều kiện sống tốt nhất cho người dân trong vùng, kể cả việc làm sau này. Nhưng từ đó đến nay, không thấy đả động gì…

Theo ông Trần Minh Thuận, một hộ dân địa phương nằm trong vùng dự án, nhiều hộ dân có nhà cửa xuống cấp, nhưng không sửa chữa, hay làm mới được, vì vướng quy hoạch; đất cũng không tách được thửa. “Như nhà tôi, có hơn 1.000m2 đất nhưng bị vướng quy hoạch, nên không thể tách thửa bán, hay chia cho con…”, ông Thuận bày tỏ.

Người dân bức xúc, kiến nghị các cấp chính quyền, song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Lãnh đạo Tập đoàn Tân Tạo viện dẫn đủ lý do để kéo dài dự án... Chính quyền địa phương cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên, chứ không còn cách nào khác. Hàng trăm hộ dân sống khổ sở do vướng quy hoạch. Địa phương đã đề nghị UBND tỉnh quyết liệt yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành việc chuyển nhượng dự án để nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện. Nếu không thì thu hồi, xóa bỏ quy hoạch để người dân ổn định cuộc sống.

…đến nông thôn

Không riêng tại khu vực đô thị, ở Quảng Ngãi nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng bị bỏ hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất. Đơn cử tại huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), có không ít dự án đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, với nguồn vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, rất nhiều dự án đang bỏ hoang, chậm tiến độ hoặc vẫn còn trên giấy.

Điển hình, có 3 dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đầu tư trên địa bàn xã Đức Minh thì có đến 2 dự án đang bỏ hoang và 1 dự án vẫn còn nằm trên giấy, không triển khai. Nguyên nhân đều có liên quan đến việc vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, hoặc nhà đầu tư nữa triển khai nửa chừng rồi bỏ cuộc.

Ví như, dự án chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức có quy mô khoảng 21ha, vốn đầu tư đăng ký hơn 114,6 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư nuôi trồng HSCB, dự kiến chăn nuôi 1.000 con bò, trồng nha đam, dưa lưới, táo xanh, nho, nuôi trùn quế. Người dân trong vùng dự án đã phá dỡ hoa màu, cây cối, rừng sản xuất để nhường đất cho dự án...

Nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng tường rào, xây khu vực chuồng trại chăn nuôi, nhà điều hành và trồng nha đam… Song từ cuối năm 2018 đến nay, diện tích nha đam vừa trồng bắt đầu khô héo vì chưa có hệ thống nước tưới. Hệ thống chuồng trại xây dựng dang dở rồi bỏ hoang...

Hiện tại huyện Mộ Đức có 20 dự án nông nghiệp nhưng chỉ có 5 dự đã triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. 15 dự án còn lại thì đa số chưa triển khai; một số dự án chậm tiến độ; có dự án không triển khai đầu tư; dự án thì xin gia hạn đầu tư. Không ít dự án vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài…

Để tạo điều kiện cho người dân địa phương ổn định cuộc sống, tránh lãng phí tài nguyên đất, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cần quyết liệt hơn trong đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Cùng đó, tích cực xử lý dứt điểm những vướng mắc mà DN và người dân đang phải đối mặt…

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/quang-ngai-can-manh-tay-voi-du-an-treo-88875.html