Quảng Ngãi: Dịch tả lợn bùng phát dữ dội, gần 30 tấn bị tiêu hủy

Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát dữ dội ở Quảng Ngãi. Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 529 con với gần 30 tấn. Người chăn nuôi lao đao vì thiệt hại nặng nề.

Dịch lợn châu Phi lan rộng, nông hộ lao đao

Theo thống kê của Sở NN&MT tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 1/7 - 11/7, dịch tả lợn châu Phi (TLCP) xảy ra ở hơn 80 cơ sở, thuộc 11 xã, phường, với hàng trăm con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 30 tấn.

Các địa phương đang xảy ra dịch TLCP như xã Thọ Phong, Sơn Tịnh, Ba Gia, Trà Giang, Mỏ Cày, Tư Nghĩa, Sơn Tây Hạ, Vệ Giang, Trường Giang, Đình Cương... Hiện các địa phương có dịch đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y xử lý ổ dịch và tổng hợp, báo cáo số liệu.

Tại xã Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ ngày 4/7, khi chính quyền địa phương tiếp nhận thông tin về tình trạng lợn chết bất thường tại hộ bà N.T.K.Q (trú thôn Bình Thọ). Mẫu xét nghiệm sau đó cho kết quả dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF).

 Phun thuốc khử trùng.

Phun thuốc khử trùng.

Từ ổ dịch ban đầu, chỉ trong vài ngày, bệnh nhanh chóng lan ra nhiều thôn khác như: Hà Nhai Bắc, Thọ Lộc Bắc, Hà Tây, Hà Trung, Phước Lộc Đông, Diên Niên, An Thọ, Thôn Tây, Bình Nam… Tính đến nay, toàn xã có 23 hộ phát hiện lợn bệnh với triệu chứng sốt, bỏ ăn, ủ rũ, xuất huyết toàn thân, mắt lờ đờ… Tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy lên đến hơn 7 tấn.

Còn tại địa bàn phường Trương Quang Trọng hiện ghi nhận hơn 10 ổ dịch, chủ yếu tập trung tại tổ dân phố Độc Lập 1. Hiện chính quyền địa phương đã tiêu hủy gần 200 con lợn, với tổng trọng lượng hơn 5 tấn.

Tại nhiều địa phương khác, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Thời gian qua, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng đan xen khiến sức đề kháng của vật nuôi suy giảm, dẫn đến phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Dịch chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện tốt công tác vệ sinh, phòng dịch, chăn nuôi chưa theo hướng an toàn sinh học.

 Lực lượng chức năng đưa số heo bị bệnh đi tiêu hủy.

Lực lượng chức năng đưa số heo bị bệnh đi tiêu hủy.

Để ngăn chặn dịch TLCP lây lan, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân không giấu dịch, tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin cho đàn lợn và xử lý lợn chết do dịch đúng quy định, người dân không được bỏ, vứt lợn ra môi trường dẫn đến ô nhiễm và lây lan dịch bệnh. Ngành chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở NN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho biết Sở đã yêu cầu các xã, phường, đặc khu thành lập các tổ triển khai biện pháp chống dịch như tổ khử trùng tiêu độc, tiêu hủy gia súc mắc bệnh, chết; tổ tiêm phòng vắc xin... nhằm hạn chế nguy cơ lây chéo dịch bệnh.

 Nhiều hộ gia đình chăn nuôi ở Quảng Ngãi đứng trước nguy cơ trắng tay.

Nhiều hộ gia đình chăn nuôi ở Quảng Ngãi đứng trước nguy cơ trắng tay.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn tại vùng dịch cũng như trên toàn địa bàn, bảo đảm các hoạt động này được thực hiện đúng theo quy định pháp luật về thú y.

Đồng thời, thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh tại địa phương để người chăn nuôi nắm rõ, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Kênh mương thành bãi rác xác heo: Chính quyền xin lỗi dân vì mùi hôi thối

Ngày 13/7, ông Lê Hà An - Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp (Gia Lai) cho biết - đã chỉ đạo các phòng chức năng, công an xã tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn heo, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vứt xác động vật ra môi trường.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn heo trên địa bàn xã và các xã lân cận đang còn diễn biến hết sức phức tạp.

Qua kiểm tra thực tế, UBND xã ghi nhận có nhiều hộ chăn nuôi tự ý vứt xác heo chết xuống hệ thống kênh mương Văn Phong và các tuyến mương khác trong khu vực.

Hành vi này làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn xã cũng như các khu vực chăn nuôi lân cận, đồng thời gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

 Xác heo chết vứt đầy kênh mương Văn Phong.

Xác heo chết vứt đầy kênh mương Văn Phong.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp Lê Hà An giao Phòng Kinh tế phối hợp với Công an và các lực lượng có liên quan phối hợp với thú y tỉnh tổ chức kiểm tra đồng loạt các chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn; trường hợp phát hiện có dịch bệnh nghiêm trọng sẽ tiến hành thu gom, tiêu hủy toàn bộ số vật nuôi tại khu vực đó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Phối hợp với lực lượng thú y tỉnh hướng dẫn nhân dân có biện pháp hiệu quả trong việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn heo.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vứt xác heo, động vật chết ra môi trường.

Ông Lê Hà An đề nghị công an xã cử lực lượng phối tham gia công tác tuần tra để kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vứt xác động vật chết ra môi trường.

Giao Phòng Văn hóa - Xã hội chỉ đạo bộ phận truyền thanh xã tăng cường thời lượng phát thanh tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến cáo người dân tích cực phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn heo; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tuân thủ nghiêm các quy định về chăn nuôi.

Đối với cá nhân, tổ chức chăn nuôi, người đứng đầu chính quyền xã nghiêm cấm hành vi vứt xác động vật chết ra môi trường dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu cơ quan chức năng phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Người chăn nuôi cũng cần thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiện dịch bệnh thì chủ động thông báo cho cơ quan chuyên môn UBND xã để phối hợp xử lý kịp thời hoặc vận chuyển đến bãi tập trung để chôn lấp, xử lý theo quy định. Trường hợp người dân phát hiện các hành vi vứt xác heo, động vật chết bừa bãi ra môi trường thì liên hệ ngay đến cơ quan chuyên môn để xem xét xử lý theo quy định.

Vớt xác, tiêu hủy hơn 80 con heo

Như Tiền Phong phản ánh, gần đây, hệ thống kênh tưới Văn Phong chảy qua các xã Bình An, Bình Hiệp… (tỉnh Gia Lai) đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm do xác heo chết được vứt xuống lòng kênh bừa bãi.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, ngành chức năng của tỉnh Gia Lai, địa phương đã có chỉ đạo xử lý. Trong đó thành lập các đội để vớt xác heo chết để đưa đi xử lý theo đúng quy định.

 Vớt, thu dọn xác heo chết đưa đi tiêu hủy theo quy định.

Vớt, thu dọn xác heo chết đưa đi tiêu hủy theo quy định.

Trong ngày hôm qua (12/7), địa phương triển khai quyết liệt trong xử lý ô nhiễm ở trên kênh Văn Phong và các suối với sự tham gia của nhiều lực lượng.

Theo Chủ tịch xã Bình Hiệp, số xác heo chết thu gom chôn lấp trên tuyến mương Văn Phong và các suối, bìa rừng khoảng 80 con. Trong hôm nay (13/7), địa phương sẽ cho rà lại một lượt nữa, để xử lý dứt điểm, tránh tình trạng ô nhiễm.

Bên cạnh việc ra quân xử lý tình trạng trên, địa phương đã gửi thư xin lỗi toàn thể người dân về hoạt động thu gom, xử lý xác heo chết làm phát sinh mùi hôi trong quá trình vận chuyển đến nơi chôn lấp, xử lý tập trung.

Trương Định - Nguyễn Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quang-ngai-dich-ta-lon-bung-phat-du-doi-gan-30-tan-bi-tieu-huy-post1759789.tpo