Quảng Ngãi: Dự kiến dùng hơn 55 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề
Theo tính toán, tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2023- 2030 để chủ tàu chuyển đổi ngành nghề là là 55,3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề 53,5 tỷ đồng; kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân 1,8 tỷ đồng.
Ngày 28/7, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi có tờ trình UBND tỉnh này về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về ban hành chính sách: “Hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023- 2030”.
Thời gian qua, sản lượng khai thác thủy sản ở Quảng Ngãi luôn đạt và vượt kế hoạch, tuy nhiên hiệu quả đánh bắt mỗi chuyến biển đạt thấp, sản lượng từng tàu có chiều hướng giảm, ảnh hưởng thu nhập của ngư dân, lao động trong lĩnh vực ngày ngày càng thiếu hụt.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản là cần thiết để giảm dần cường lực khai thác, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, phù hợp.
Dự kiến, đối tượng áp dụng chính sách trên là chủ tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác.
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ chuyển từ nghề khai thác thủy sản sang nghề ngoài lĩnh vực khác, đến năm 20230 có khoảng 150 tàu hoạt động vùng biển ven bờ, vùng lộng có chiều dàu lớn nhất từ 6m đến dưới 15m chuyển sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ muôi trồng thủy sản, các nghề địa phương có định hướng phát triển…, tổng kinh phí thực hiện khoảng 11,3 tỷ đồng bằng phương thức ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho chủ tàu cá.
Đối với chính sách hỗ trợ chuyển đồi ngành nghề khai thác thủy sản, đến năm 20230, chuyển đổi 400 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên hoạt động vùng khơi, vùng lộng mua ngư cụ, trang thiết bị, cải hoán tàu cá chuyển đổi sang các nghề lồng bẫy, chụp, câu, dịch vụ hậu cần. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 44 tỷ đồng bằng phương thức ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho chủ tàu.
Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2023- 2030 là 55,3 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề 53,5 tỷ đồng; kinh phí đào tạo nghề cho ngư dân 1,8 tỷ đồng.
Theo Sở NN&PTNN, nếu được UBND tỉnh đồng ý, tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết này sẽ được đưa ra trong kỳ họp thường kỳ cuối năm 2023 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 4 huyện, thị xã, thành phố ven biển và 1 huyện đảo, bờ biển có chiều dài khoảng 130km. Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có 4.292 tàu cá với tổng công suất trên 1,7 triệu CV, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác ở vùng khơi là 3.147 tàu.
Về cơ cấu nghề khai thác thủy sản hiện tại, lưới kéo 29,35%; lưới rê 23,78%; lưới vây 14,02%; nghề câu 24,67%; các nghề khác(chụp, lặn, hậu cần…) chiếm 8,18%. Lao động nghề cá khoảng 37.000 người.
Sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh năm 2022 đạt trên 268.000 tấn, vượt 1,3% kế hoạch năm, sản lượng khai thác trong 6 tháng đầu năm 2023 ước hơn 147.000 tấn.