Quảng Ngãi: giá cau liên tục tăng, người trồng trúng lớn

Ngay từ đầu vụ, giá cau tươi tại Quảng Ngãi đã cao kỷ lục và tiếp tục tăng, có thời điểm lên đến hơn 60.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Nam (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) có 400 gốc cau đang vào vụ thu hoạch. Trung bình sau 5-6 năm tuổi, mỗi cây cau sẽ cho thu hoạch khoảng 4 buồng cau/năm.

Với giá cau hiện tại trên 60.000 đồng/kg, mỗi cây cau mang lại cho ông khoảng 700.000 đồng lợi nhuận. Đây là mức thu lãi cao mà ít cây trồng nào ở Quảng Ngãi có thể sánh được.

Thương lái thu mua cau tận vườn.

Thương lái thu mua cau tận vườn.

Theo người trồng cau, năm nay giá loại quả này cao ngay từ lứa đầu (vào khoảng giữa tháng 6) với hơn 40.000 đồng/kg khiến nhiều người rất bất ngờ, bởi tăng gần cả chục lần so với các năm trước. Giá cau đạt kỷ lục mang đến cho người nông dân nguồn thu nhập khá ngay từ đầu vụ.

"Nghe giá 42.000 đồng/kg cứ tưởng nói đùa, ai ngờ họ mua thật. Đợt đó tôi bán được 30kg. Thế mà vài ngày sau giá vẫn tiếp tục tăng. Chưa bao giờ cau đầu vụ cao như năm nay"- bà Nguyễn Thị Bảy (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) cho biết.

Nhiều năm qua, cau đầu vụ thường dao động 2.000-7.000 đồng/kg, cau cuối vụ hơn 100.000 đồng/kg. Bởi lẽ, đầu vụ lượng cau nhiều nên giá rẻ. Cuối vụ cau ít, lại trúng thời điểm Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng cau tăng cao, kéo giá cau tăng theo.

Tuy nhiên, trong hơn 3 tháng gần đây, giá cau luôn duy trì ở mức cao, có thời điểm lên đến 65.000 đồng/kg, mang lại niềm vui lớn cho nông dân. Cau Nghĩa Hành cũng được thị trường ưa chuộng với chất lượng tốt, quả thuôn, đáp ứng các tiêu chuẩn đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Nghĩa Hành hiện có gần 750 ha trồng cau.

Nghĩa Hành hiện có gần 750 ha trồng cau.

“Toàn huyện hiện có gần 750 ha trồng cau với sản lượng khoảng 9.000 tấn. Cau được giá mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng. Những năm gần đây, người dân tập trung trồng và chăm sóc cây cau, tuy nhiên để độc canh loại cây này thì không ổn vì thị trường bấp bênh, chỉ nên trồng xen canh”- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nghĩa Hành Phan Công Huân chia sẻ.

Tại huyện Sơn Tây, đây cũng xem là thủ phủ cau của Quảng Ngãi bởi diện tích trồng cau rộng lớn, lên đến khoảng 1.000 ha. Hiện bà con trồng cau ở huyện Sơn Tây rất phấn khởi vì giá cau đầu vụ cao đột biến.

Sơn Tây là một trong những địa phương trồng nhiều cau nhất ở Quảng Ngãi.

Sơn Tây là một trong những địa phương trồng nhiều cau nhất ở Quảng Ngãi.

Những năm qua, cây cau giúp nhiều hộ dân huyện Sơn Tây tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Do đó, chính quyền huyện đã hỗ trợ người dân về kỹ thuật, cây giống để trồng mới gần 300 ha cau. Phần diện tích này đang phát triển ổn định.

Theo tìm hiểu từ một số cơ sở thu mua cau ở Quảng Ngãi, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc tăng cao nên giá cau đầu vụ cũng tăng theo từng ngày. Cau được tiểu thương mua rồi hấp, sấy khô sau đó bán lại cho thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc.

Do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá cau cũng như nhiều loại nông sản khác (ớt, dưa hấu...) luôn biến động bất thường. Giá cau đang ở mức cao nhưng nếu phía Trung Quốc ngừng thu mua sẽ lập tức giảm nhiệt, hạ sâu.

Tiêu thụ cau phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Tiêu thụ cau phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

“Có năm thu mua với giá 20.000-30.000 đồng/kg về sấy khô để xuất đi Trung Quốc. Thế nhưng cau sấy chưa kịp khô thì giá tuột xuống, chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg. Giá cả nông sản xuất sang Trung Quốc thay đổi từng ngày, không thể biết trước được"- anh Nguyễn Minh (chủ một vựa cau) chia sẻ.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quang-ngai-gia-cau-lien-tuc-tang-nguoi-trong-trung-lon.html