'Quảng Ngãi mang sứ mệnh trở thành cực tăng trưởng của miền Trung'
100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hướng đến phát triển công nghiệp xanh, bền vững
Ngày 16/3, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh (Báo cáo ĐMC) Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển của tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Quảng Ngãi xác định công tác lập Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.
Theo đó, quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi xây dựng 3 kịch bản phát triển theo hướng đa trung tâm; theo hướng công nghiệp hóa toàn diện và theo hướng hài hòa, bền vững.
Ông Minh cho rằng, với diện tích 5.138km2, dân số hơn 1,4 triệu người, tốc độ tăng trưởng tốt. Vì vậy, qua phân tích, cân nhắc, Quảng Ngãi lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 từ 7,25-8,25%. Riêng trong giai đoạn 2021-2025 là 7-8% và 2026-2030 là 7,5-8,5%.
“Với mục tiêu trên, Quảng Ngãi sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép; hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung”, ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Minh, qua phân tích, nhận diện các thế mạnh, điểm yếu, Quy hoạch tỉnh định hình không gian, tầm nhìn phát triển qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực.
Định hướng trong thời gian đến, tỉnh sẽ vẫn tập trung phát triển Công nghiệp để làm động lực. Trong tương lai, nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, xanh.
Quy hoạch tỉnh xác định 11 quan điểm phát triển, trong đó phát triển hài hòa và bền vững các giá trị xã hội, môi trường và các giá trị kinh tế là yêu cầu xuyên suốt; Giá trị con người và môi trường là mục tiêu cao nhất, là nhân tố trung tâm quyết định của sự phát triển của tỉnh trong tương lai.
Qua phân tích, đánh giá tại cuộc họp, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cho rằng, kinh tế Quảng Ngãi có tăng, song không ổn định. Trong thời gian gần đây chậm lại. Quy mô kinh tế ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải miền Trung. Trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể chưa cho thấy sự bức tốc rõ ràng.
Đơn cử như sức lan tỏa của các vùng động lực, đặc biệt là khu vực TP Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn ra các khu vực khác còn hạn chế; du lịch mặc dù có rất nhiều tiềm năng đa dạng nhưng việc khai thác hoạt động du lịch còn đơn sơ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội để Quảng Ngãi sắp xếp lại không gian phát triển. Trong đó, phải đánh giá lại thực trạng, sắp xếp không gian phát triển, cơ cấu lại các ngành, không được quá phụ thuộc vào, KKT Dung Quất, nhà máy lọc dầu hay nhà máy thép.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở: Quảng Ngãi cần tận dụng hết các mối liên kết kinh tế với Quảng Nam, Bình Định, nhất là với khu kinh tế Chu Lai. Hai khu kinh tế bên cạnh nhau, cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ để trở thành một tổ hợp công nghiệp lớn của cả nước. Tận dụng cảng nước sâu, có sân bay Chu Lai ngay bên cạnh… Quan điểm là cần dựa vào nhau để phát triển trong bối cảnh liên kết vùng đặt ra rất lớn.
Phải thể hiện vai trò, sứ mệnh cả nước đặt kỳ vọng
Một vấn đề được các thành viên Hội đồng nhấn mạnh cần phân tích, làm rõ các “điểm nghẽn” lớn, đó là Tỷ lệ đô thị hóa thấp khi đạt 24,5%, đứng thứ 5/5 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thấp hơn trung bình cả nước là 40%. Chất lượng nguồn nhân lực, lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt 21,96%. Khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế, thiếu dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao…
Do đó, cần bổ sung làm rõ vị thế và vai trò của tỉnh Quảng Ngãi đối với vùng/quốc gia bởi Quảng Ngãi được xác định là: Một trong các trung tâm cho phát triển các cụm liên kết ngành về lọc hóa dầu và công nghiệp cơ khí, sản xuất thép; Một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của vùng Tây Nguyên. Vì thế, cần tập trung làm rõ lợi thế, cơ hội của tỉnh Quảng Ngãi khi có cảng nước sâu Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 200.000 tấn và Quảng Ngãi được xác định là một trong 4 tỉnh nằm trong vùng động lực miền Trung theo quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Quảng Ngãi có rất nhiều thuận lợi, nhất là Nghị quyết số 26, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị… đã ban hành. Trong đó, đặt lên vai Quảng Ngãi một sứ mệnh mới, đó là trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung. Sứ mệnh, vai trò, vị trí của Quảng Ngãi phải khác, phải làm sao đóng góp xứng đáng trong vùng động lực này, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa rõ nét tính đột phá, nhất là trong cơ cấu kinh tế, phụ thuộc quá vào lọc dầu và thép. Cần mạnh dạn hơn, tư duy mới, tìm điểm đột phá mới để xây dựng cơ cấu kinh tế, các động lực phát triển mới.
Hội đồng thẩm định đề nghị Quảng Ngãi rà soát việc đầu tư các dự án phát triển nguồn điện trên địa bàn phải đảm bảo trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương, Quy hoạch điện 8 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát hiệu quả của các dự án thủy điện trong giai đoạn vừa qua, kiên quyết không đưa vào quy hoạch nếu dự án không hiệu quả, chiếm dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; không đưa mới các dự án thủy điện quy mô nhỏ, dưới 10 MW vào quy hoạch.