Quảng Ngãi tháo gỡ nút thắt các dự án trọng điểm thế nào?

Vướng mắc mặt bằng ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, mang lại tín hiệu tích cực.

Nút thắt giải phóng mặt bằng

Một trong những vướng mắc về mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn liên quan đến nhóm hàng chục hộ dân xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa đã đăng ký trong sổ 5b được lập theo Chỉ thị 299, năm 1980 của Chính phủ lâu nay chưa được cụ thể hóa để bồi thường trong quyết định 75 của tỉnh Quảng Ngãi khiến người dân bức xúc.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi gặp gỡ người dân huyện Tư Nghĩa trong vùng giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi gặp gỡ người dân huyện Tư Nghĩa trong vùng giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng.

Gia đình ông Trần Giá, xã Nghĩa Kỳ, có 1.090m2 đất ở đăng ký trong sổ 5b được lập theo Chỉ thị 299. Năm 2023, đơn vị làm công tác bồi thường áp giá bồi thường, tái định cư cho ông là 300m2 đất ở, nên chỉ bố trí 1 lô tái định cư.

Đối với phần diện tích còn lại trong tổng số 1.090m2, đền bù theo diện đất trồng cây hàng năm. Do đó, gia đình ông Giá không đồng ý bàn giao đất và liên tục khiếu kiện đòi quyền lợi.

Không riêng gì ông Giá mà trên địa bàn xã Nghĩa Kỳ còn hàng chục trường hợp như vậy. Chính điều này dẫn đến công tác GPMB đoạn đầu tuyến rơi vào bế tắc vì người dân không đồng ý với phương án bồi thường, tái định cư được duyệt.

Trước sự việc, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức họp bàn và ban hành kết luận 1167, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đã đăng ký sổ 5b theo Chỉ thị 299.

Từ đó, huyện Tư Nghĩa và các cơ quan liên quan đã có "hành lang pháp lý" để thực hiện bồi thường đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Riêng trường hợp gia đình ông Giá, sau khi có kết luận của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đơn vị làm công tác bồi thường đã công nhận toàn bộ diện tích của ông Giá là đất ở như đăng ký và duyệt lại phương án tái định cư từ 1 lô ban đầu thành 4 lô.

Nút thắt về nơi ở cho bản thân và con cái được tháo gỡ nên ông Giá đồng ý tháo dọn nhà, bàn giao đất cho nhà thầu thi công dự án.

Gia đình ông Trần Giá hoan nghênh chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong việc xác định lại tỷ lệ đất ở đối với diện tích đất nhà ông là đất ở và thay đổi khung tái định cư từ 1 lô lên 4 lô.

Gia đình ông Trần Giá hoan nghênh chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong việc xác định lại tỷ lệ đất ở đối với diện tích đất nhà ông là đất ở và thay đổi khung tái định cư từ 1 lô lên 4 lô.

Ngoài ông Giá thì hàng chục trường hợp khác tương tự cũng được bồi thường, tái định cư thỏa đáng và người dân đồng ý bàn giao mặt bằng.

Việc Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định sử dụng hồ sơ số 5b được lập theo Chỉ thị 299 để xác định lại diện tích đất trong bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất của người dân không riêng gì cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn mà còn nhiều dự án khác đã gỡ vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Nguyễn Đăng Vinh cho biết, từ khi có chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Sở TN&MT, địa phương đã có cơ sở để thực hiện bồi thường, tái định cư cho người dân, từ đó người dân nằm trong diện này đã đồng thuận chủ động tháo dọn nhà, đốn cây cối bàn giao mặt bằng.

"Nhờ chủ trương của Tỉnh ủy mà địa phương đã gỡ được nút thắt rất lớn, hàng chục trường hợp người dân vui vẻ đến nhận đất tái định cư, bàn giao mặt bằng. Từ chỗ nhóm hộ này căng thẳng với anh em làm công tác bồi thường thì giờ đã trở thành những "tuyên truyền viên" cho địa phương", ông Vinh nói.

Tuy vậy, đối với nhóm hộ còn lại cũng thuộc trường hợp có trong sổ đăng ký 5b nhưng mua bán, chuyển nhượng hoặc có trường hợp thừa kế nhưng qua xác minh chưa rõ người cụ thể và nhóm hộ có đất thể hiện trên bản đồ 299 không xảy ra tranh chấp nhưng vẫn chưa được xác lập để có cơ sở bố trí đất TĐC và đa số các trường hợp này làm nhà trên đất nông nghiệp... còn vướng vì không có quy định giao đất tái định cư.

Tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ngãi vào chiều 29/5, qua họp bàn, tham vấn ý kiến của bộ ngành trung ương, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định đồng ý bố trí đất TĐC cho nhóm hộ dân này.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng các hộ dân này làm nhà trên đất nông nghiệp là không đúng quy định. Nhưng thực tế lại là nhu cầu thật (không phải cố tình làm nhà để được bồi thường - PV) nếu cưỡng chế mà không có phương án sẽ đẩy những gia đình này vào cảnh cực kỳ khó khăn.

Nhưng các hộ này không có đơn vị đất ở nào khác nên việc xem xét bố trí đất TĐC là cần thiết để đảm bảo quyền có nhà ở của người dân được Hiến pháp quy định. Do đó, tỉnh thống nhất vận dụng cơ chế hỗ trợ nơi ở để giao đất TĐC cho người dân. Quá trình triển khai phải rà soát, trường hợp nào đủ điều kiện để giao đất TĐC, trường hợp nào giao đất có thu tiền sử dụng đất thì phải rõ ràng.

Mạnh dạn thay đổi trong thực hiện bồi thường, GPMB

Để thực hiện công tác bồi thường, GPMB thu hồi đất thực hiện các dự án tại Quảng Ngãi, ngoài các quy định của pháp luật thì tỉnh này căn cứ áp giá bồi thường và lập phương án bồi thường trên cơ sở Quyết định 75 năm 2022.

Tuy nhiên, trong thực tiễn làm công tác bồi thường, GPMB gặp nhiều vướng mắc nằm ngoài quy định, phần nào gây khó khăn cho đơn vị làm công tác bồi thường và chính quyền địa phương trong phê duyệt, thẩm định.

Dẫn chứng vướng mắc này, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh cho biết, quá trình kiểm kê lập phương án bồi thường đối với dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi cho thấy có nhiều thửa đất của người dân theo quy định khu vực nông thôn chỉ được cấp từ 200-300m2 đất ở, còn lại là đất vườn ký hiệu BHK (đất trồng cây hàng năm khác - PV).

Trong khi nhiều gia đình vườn rộng cả nghìn m2, ngoài phần đất ở làm nhà, người dân sẽ tận dụng phần diện tích đất vườn trồng cây ăn quả, cây cau, dừa… để phát triển kinh tế. Nhưng khi áp giá bồi thường theo quyết định 75 thì nhóm cây này là cây lâu năm nhưng trồng cây hàng năm khác là sai quy định và không bồi thường.

Thậm chí, có trường hợp người dân xây dựng chuồng trại để chăn nuôi, phát triển kinh tế hoặc đào giếng lấy nước tưới tiêu hoa màu trong vườn nhà… chiếu theo quyết định 75 thì người dân vi phạm vì làm trên đất trồng cây hằng năm khác mà chưa chuyển đổi sang hình thức sử dụng đất phù hợp cũng không được bồi thường.

Với chủ trương vì quyền lợi của người dân và vì công trình trọng điểm, TP Quảng Ngãi áp dụng nhiều chính sách bồi thường thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư công.

Với chủ trương vì quyền lợi của người dân và vì công trình trọng điểm, TP Quảng Ngãi áp dụng nhiều chính sách bồi thường thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư công.

"Đây là một trở ngại vô cùng lớn và rất bất hợp lý. Nếu địa phương cứng nhắc theo quy định thì quá thiệt thòi cho người dân vì bản thân người dân làm các công trình, trồng nhóm cây này từ lâu và trước khi có thông báo thu hồi đất.

Họ làm phát triển kinh tế và không có tính chất vụ lợi. Để tháo gỡ nút thắt này là cả một quá trình cân đo đong đếm được mất", ông Danh tâm sự

Để giải quyết vướng mắc mặt bằng dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi, TP Quảng Ngãi đã mời các cơ quan liên quan tổ chức họp, bàn thảo từng vấn đề. Qua đó, tập thể đưa ra nhiều giải pháp trong bồi thường một cách thỏa đáng nhất cho người dân dựa trên các căn cứ, quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trà Thanh Danh cho biết, dù quy định trong quyết định 75, những trường hợp trồng cây lâu nằm, xây dựng công trình trong đất vườn ngoài diện tích đất ở nhưng đất đăng ký là đất trồng cây hàng năm hoặc cây lâu năm thì thống nhất xem xét tính toán lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các loại cây trồng bao gồm cây lâu năm và cây hằng năm.

Đối với các thửa đất thuần túy là đất nông nghiệp cũng tiến hành bồi thường để không thiệt thòi cho người dân.

Cụ thể, đất trồng lúa nhưng không có nước tưới và người dân chuyển sang trồng cây hàng năm thì tính toán lập phương án bồi thường. Đối với đất ký hiệu cây lâu năm nhưng người dân trồng cây hàng năm cũng tiến hành bồi thường.

"Thành phố nỗ lực, chủ động tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy công việc mà không trông chờ xin hướng dẫn hay ý kiến của cấp trên. Khó khăn, nhưng phải quyết tâm làm vì công trình trọng điểm và vì một thành phố phát triển", ông Danh chia sẻ.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quang-ngai-thao-go-nut-that-cac-du-an-trong-diem-the-nao-192240524190213746.htm