Quảng Ngãi và Kon Tum thành lập 6 tổ công tác thực hiện việc sáp nhập
Ngày 15.4, tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: D.N
Hai tỉnh thống nhất cao về nguyên tắc xây dựng đề án hợp nhất, trong đó đặc biệt lưu ý đến các yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư… Đồng thời, chú trọng các yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm sự vận hành hiệu quả của bộ máy hệ thống chính trị sau sáp nhập.
Hai bên cũng bàn bạc, thống nhất về các nội dung quan trọng như chính sách đặc thù giữa hai tỉnh, phương án tổ chức bộ máy, phân bổ nguồn lực, công tác cán bộ sau hợp nhất, đặc biệt là việc nâng cấp tuyến Quốc lộ 24 và triển khai đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum nhằm bảo đảm kết nối hạ tầng hiệu quả giữa các vùng của tỉnh mới sau khi hợp nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: D.N
Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ hai tỉnh được giao tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh Đề án và Kế hoạch thực hiện, bảo đảm tiến độ trình Bộ Nội vụ và Chính phủ trước ngày 1.5.2025.
Để triển khai hiệu quả chủ trương sáp nhập, Ban Thường vụ hai tỉnh đã thống nhất thành lập 6 tổ công tác chung, gồm: Tổ công tác về văn kiện đại hội; Tổ công tác về đơn vị hành chính; Tổ công tác về tổ chức, bộ máy, biên chế; Tổ công tác về cán bộ; Tổ công tác về chính sách địa phương; Tổ công tác về tài chính, ngân sách và trụ sở, tài sản công. Tỉnh Quảng Ngãi sẽ là đơn vị ký ban hành các quyết định thành lập và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác.
Các tổ công tác sẽ chủ trì chuẩn bị nội dung cho các cuộc làm việc định kỳ giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và Quảng Ngãi, với tần suất 3 tuần/lần, địa điểm luân phiên tại hai tỉnh. Dự kiến các cuộc làm việc sẽ kéo dài đến ngày 1.9.2025, nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị sáp nhập.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: D.N
Ngoài ra, hai tỉnh cũng thống nhất phân công cán bộ đầu mối phụ trách phối hợp giữa các cơ quan tương ứng, đảm bảo trao đổi công việc thuận lợi, thông suốt.
Chia sẻ tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh, việc hợp nhất hai tỉnh là chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược, đòi hỏi sự đồng thuận cao, chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng chí bày tỏ mong muốn hai địa phương sớm hoàn tất quá trình sáp nhập, đưa bộ máy vào hoạt động nhanh chóng và hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang lưu ý cần sớm có phương án bố trí nơi ở và hỗ trợ điều kiện sinh hoạt phù hợp cho đội ngũ cán bộ sau sáp nhập, đặc biệt là cán bộ trẻ chưa có chỗ ở ổn định. Việc di chuyển giữa các địa bàn xa, như từ Quảng Ngãi lên vùng biên giới Kon Tum, sẽ rất vất vả nếu không được chuẩn bị tốt về hậu cần.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 địa phương chụp hình lưu niệm - Ảnh: Dương Nương
Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề xuất cần sớm có kế hoạch nâng cấp tuyến đường dài 60km nối xã Pờ Ê (Kon Tum) với thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) để rút ngắn thời gian di chuyển trong giai đoạn trước khi tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được hoàn thành.
Việc thống nhất chủ trương và bước đầu triển khai các nội dung chuẩn bị cho sáp nhập giữa Kon Tum và Quảng Ngãi thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền hai tỉnh. Quá trình này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả lâu dài về tổ chức bộ máy, tiết kiệm nguồn lực và tạo động lực phát triển mới cho khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.