Quảng Ninh: 11 hộ dân sống thắc thỏm trên nóc di tích lịch sử
Một nhà tù của thực dân Pháp ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã được xếp hạng Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhưng nhiều năm qua, 11 hộ dân sống trên nóc nhà tù ấy không được xếp đặt một cuộc sống yên bình.
Nhiều năm nay, 11 hộ dân ở tổ 9, khu 1, phường Hồng Gai (TP Hạ Long) gửi đơn kiến nghị từ phường đến tỉnh, với thỉnh nguyện được di dời khỏi nơi mà họ đã sống từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là dãy nhà tập thể của Công ty cung ứng và du lịch Quảng Ninh, được xây dựng từ năm 1964, vị trí nằm trên sườn đồi, ngay nóc nhà tù của thực dân Pháp.
Theo hồ sơ di tích lịch sử chứng tích nhà giam tù chính trị của thực dân Pháp ở Hòn Gai do phường Hồng Gai cung cấp, nhà tù chính trị được thực dân Pháp xây dựng năm 1909, đến năm 1919 thì dừng hoạt động. Di tích gồm hai bộ phận cấu thành: Dưới lòng đất và trên mặt đất. Dưới lòng đất là hệ thống đường hầm.
Trải qua gần 100 năm tồn tại dưới tác động của thời tiết, khí hậu, địa chất, năm 2016 một số vị trí của đường hầm đã bị sụt lún nên các hố sụt được khắc phục bằng bơm bê tông lấp các đoạn sụt lún. Hiện nay, vẫn còn nguyên các phòng giam bằng bê tông, cổng sắt, xung quanh bao bọc bằng tường đá.
Tuy nhiên, nhà tù đã có dấu hiện xuống cấp nghiêm trọng, cửa sắt tại lối vào hư hỏng, đứng ở ngoài có thể nhìn rõ bên trong, hệ thống sắt tại trần nhà tù hoen gỉ. Để đảm bảo an toàn, hiện di tích vẫn đóng cửa nhiều năm nay.
Ông Phạm Văn Trị nay đã 90 tuổi, là một trong những người đầu tiên đến dãy nhà tập thể của Công ty cung ứng và du lịch Quảng Ninh sinh sống. Ông chia sẻ: Tôi là dân gốc Hà Tĩnh ra Quảng Ninh làm việc cho Công ty cung ứng và du lịch Quảng Ninh. Khi công ty xây dựng dãy nhà ở tập thể cho cán bộ, nhân viên ngay trên nóc nhà tù, tôi được phân 1 căn vào năm 1969, sau đó, công ty thanh lý và tôi ở đó đến bây giờ. Do ngôi nhà đã xây dựng từ lâu, xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, nên sinh hoạt vô cùng khó khăn, bất tiện.
Bà Nguyễn Thị Thiệu (76 tuổi), Tổ trưởng tổ 9, cho biết: Gia đình tôi ở đây từ năm 1971, hai vợ chồng đều là công nhân Công ty cung ứng và du lịch Quảng Ninh. Năm 2005, 11 hộ dân chúng tôi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng bị trả về vì khu đất nằm trong quy hoạch di tích. Hầu hết các căn nhà ở đây đều đã xuống cấp, nhưng chúng tôi cũng không được sửa chữa. Chúng tôi đều là những Đảng viên lâu năm, khi đi kiến nghị thì họ bảo chúng tôi là Đảng viên, không được đi khiếu kiện đông người.
Trong căn nhà chật hẹp, diện tích chưa đầy 50 m2, với nhiều vết vứt trên tường và sàn nhà, anh Đỗ Văn Khương trăn trở: Gia đình tôi 4 người, 1 cháu đi học trên Hà Nội. Mỗi lần cháu về thì bố lại phải xuống đất nằm ngủ để nhường giường cho con. Căn nhà vừa chật chội, vừa cũ nát quá rồi nhưng tôi không được sửa chữa, chỉ được chắp vá tạm thời những chỗ nứt vỡ. Cuộc họp cử tri nào chúng tôi cũng kiến nghị, nhưng không biết phải sống cảnh này đến bao giờ.
Bất đắc dĩ, 11 hộ dân với 40 nhân khẩu vẫn phải sống trong những căn nhà diện tích khoảng 30-45m2, nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Những gia đình có con cái lớn muốn xây sửa nhà cửa để dựng vợ gả chồng đều rất khó khăn vì khu vực này không được phép xây dựng, sửa chữa.