Quảng Ninh: Bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến phát triển kinh tế xanh bền vững

Xác định bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển lâu dài, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy bền vững giá trị các hệ sinh thái tiêu biểu. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Những “kho báu” đa dạng sinh học

Với hơn 6.200km2 đất liền và trên 6.100km2 mặt biển, đường bờ biển dài 250km; có 2 vịnh lớn là vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và 2.077 hòn đảo (chiếm hơn 2/3 số đảo trong cả nước)... Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo cơ hội cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) rừng quốc gia Yên Tử và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng). Quảng Ninh có đa dạng sinh học với hơn 7.300 loài, chi, họ thuộc 19 ngành, 3 giới động vật, nấm, thực vật và 19 hệ sinh thái chính, trong số đó có nhiều loài đặc hữu, loài nguy cấp thuộc Sách đỏ Việt Nam. Các khu bảo tồn đều có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm.

 Công tác bảo tồn tại vườn Quốc gia Bái Tử Long với quần thể rừng cây trâm mốc cổ thụ, gồm 272 cây tuổi thọ từ 150 năm trở lên, trên 2.000 cây dưới 150 năm. Trong đó, 150 cây cổ thụ đáp ứng đủ các tiêu chí đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Công tác bảo tồn tại vườn Quốc gia Bái Tử Long với quần thể rừng cây trâm mốc cổ thụ, gồm 272 cây tuổi thọ từ 150 năm trở lên, trên 2.000 cây dưới 150 năm. Trong đó, 150 cây cổ thụ đáp ứng đủ các tiêu chí đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Trong đó, rừng quốc gia Yên Tử có các mẫu chuẩn hệ sinh thái của vùng rừng Đông Bắc Việt Nam, sở hữu 206 loại động vật có xương sống với trên 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, có gần 1.000 loài thực vật bậc cao có mạch với 144 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng là một trong những khu dự trữ thiên nhiên của Việt Nam được đánh giá là khu điển hình của hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi thấp ở vùng Đông Bắc Việt Nam, sở hữu 485 loài thực vật bậc cao có mạch và 249 loài động vật, với trên 30 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Khu BTTN vườn quốc gia Bái Tử Long là một trong bảy vườn quốc gia ở Việt Nam vừa có diện tích trên cạn vừa có diện tích biển, sở hữu 1.195 loài động, thực vật trên cạn và 1.220 loài sinh vật biển.

Tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, đặc biệt là khu vực đảo Minh Châu đang bảo tồn quần thể rừng cây trâm mốc cổ thụ, gồm 272 cây tuổi thọ từ 150 năm trở lên, trên 2.000 cây dưới 150 năm. Trong đó, 150 cây cổ thụ đáp ứng đủ các tiêu chí đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Vườn còn có 3 cây trâm vỏ đỏ niên đại hơn 300 năm sống trên đảo núi đất, 3 cây trai lý cổ niên đại khoảng 500 năm tuổi sống trên đảo núi đá cũng đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học hướng đến phát triển xanh bền vững

Để bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học một cách bền vững tỉnh đã triển khai các giải pháp cụ thể, nhiều quyết sách, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường các giai đoạn; quy hoạch đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản ra vùng đệm và vùng phụ khu bảo tồn, khu di sản; triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kỹ thuật, pháp lý bảo vệ các hệ sinh thái, loài sinh vật bị cấm đánh bắt trong khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản vịnh Hạ Long.

Tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án rà soát, xác định hiện trạng tài nguyên Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long, với 2.500ha rừng tự nhiên núi đá để cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Đồng thời, chỉ đạo duy trì, quản lý hiệu quả Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu bảo tồn rừng quốc gia Yên Tử và diện tích lớn rừng đặc dụng; nghiên cứu triển khai nhiệm vụ thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh Quảng Nam Châu, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (Tiên Yên), bảo vệ chặt chẽ rừng trâm đỏ, rừng chõi nguyên sinh (Cô Tô), rừng trâm (Vân Đồn).

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thả hơn 5 triệu con giống thủy sản xuống vùng biển huyện Vân Đồn tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thả hơn 5 triệu con giống thủy sản xuống vùng biển huyện Vân Đồn tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Quy hoạch, khoanh vùng các khu vực để bảo tồn nguồn gen đối với một số loài đang bị khai thác quá mức, như bãi Cồn Trụi (xã Minh Châu, huyện Vân Đồn), bãi Chương Cả (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) để bảo vệ nguồn gen sá sùng; khoanh vùng bảo tồn nguồn gen ngán tại TX Quảng Yên và huyện Tiên Yên; nghiên cứu phương án thả bổ sung tái tạo bào ngư ra môi trường tự nhiên và nghiên cứu sản xuất giống, nuôi thương phẩm đối với mực ống Cô Tô.

Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lập và triển khai quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện kiểm kê, bảo vệ khoảng 122.656ha rừng tự nhiên, 19.686ha rừng ngập mặn, 850ha cỏ biển, 140 rạn san hô. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đã nâng từ 38% năm 2000 lên 55,06% hiện nay, đứng thứ 14 cả nước.

Tỉnh Quảng Ninh siết chặt kiểm soát hoạt động của phương tiện khai thác thủy sản, ngăn chặn khai thác thủy sản trái phép, khắc phục những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu trong khai thác thủy sản.

Đến nay, hơn 4.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase; tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đã được ký cam kết an toàn thực phẩm.

Tháng 4 vừa qua, Sở NN&PTNT tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thủy sản đối với tàu cá. Qua đó, đã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là những tàu khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định hoạt động trên vùng biển tỉnh.

Có thể thấy, với nhiều giải pháp cụ thể, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Quảng Ninh đang được triển khai hiệu quả, những nỗ lực, quyết sách đúng đắn trong thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, các di sản đã, đang và sẽ tiếp tục là nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, giữ gìn môi trường tự nhiên cho tương lai./.

Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-huong-den-phat-trien-kinh-te-xanh-ben-vung-151715.html