Quảng Ninh: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có nhiều hạng mục vi phạm quy trình kỹ thuật
là ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khi thực tế kiểm tra tiến độ thi công và chất lượng xây dựng công trình cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài tuyến gần 80,2km, quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h, kết nối với cao tốc Vân Đồn - Hải Phòng, tổng cộng chiều dài 200km là trục đường cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh; điểm đầu được xác định từ cầu Bạch Đằng (tiếp giáp Hải Phòng), điểm cuối là cửa khẩu quốc tế Bắc Luân II (Móng Cái). Công trình khởi công xây dựng 4/2019, kinh phí đầu tư trên 11.195 tỷ đồng.
Đây là công trình giao thông trọng điểm, động lực của địa phương, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Tuyến cao tốc này là cơ hội phát triển mới, kéo gần hơn khoảng cách về kinh tế - xã hội các khu kinh tế tốc độ phát triển cao như: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái với cho các huyện rẻo cao phía Đông Quảng Ninh. Đồng thời, sẽ tạo ra chuỗi kết nối các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) của tỉnh, giúp các KCN, KKT, nhất là 3 KKT cửa khẩu, có sự phát triển vượt bậc, tạo sức mạnh lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế.
Công trình giao thông này được chia làm 2 dự án, đầu tư bằng hai nguồn vốn riêng biệt. Trong đó, Dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên (từ đảo Cái Bầu, Vân Đồn đến huyện tiên Yên) dài trên 16km, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự án cao tốc Tiên Yên - Móng Cái (từ huyện Tiên Yên đến cửa khẩu Bắc Luân II) có chiều dài toàn tuyến trên 63km, được đầu tư theo hình thức BOT.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cùng lãnh đạo HĐND, UBND và các sở ngành thực tế công trường ghi nhận nhà đầu tư, các nhà thầu đã khắc phục khó khăn trong đại dịch Covid-19, trong thời tiết không thuận lợi mưa nhiều, nhiều nhà thầu đã thi công xuyên Tết Nguyên đán... Công trình đã đạt được nhiều kết quả.
Cụ thể: Đường Vân Đồn - Tiên Yên thi công đã đạt trên 80% khối lượng công việc. Trong đó, đã hoàn thiện xong mặt cầu của 7/10 cây cầu trên tuyến, đắp nền đường lớp cấp phối đá dăm, thảm nhựa mặt đường được trên 9km. Nhà thầu đang thảm lớp bê tông nhựa mặt đường, lắp đặt hệ thống giải phân cách giữa, hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng rãnh thoát nước và hoàn thiện hạng mục 740m cầu mới bổ sung thiết kế. Cao tốc Tiên Yên - Móng Cái hiện cũng đã đạt gần 80% khối lượng công việc. Trong đó, đã hoàn thiện 100% phần thi công đắp nền đường lớp cấp phối đá dăm, xây dựng xong 25 cây cầu cùng hệ thống thoát nước và các hầm chui dân sinh. Hạng mục thảm bê tông nhựa mặt đường hiện mới thi công được 16/63km bê tông nhựa lớp 1.
Bên cạnh mặt tích cực, công trình xây dựng trọng điểm này bộc lộ những hạn chế, đó là không ít hạng mục vi phạm quy trình kỹ thuật xây dựng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nghiêm khắc phê bình các chủ đầu tư, cơ quan quản lý, nhà thầu xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan phải bám sát tiến độ và giải pháp thi công; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các đơn vị thi công, nhà thầu phải tăng ca, tăng kíp, tăng năng lực thiết bị, nhân lực, phải kiên quyết thay thế ngay các nhà thầu năng lực yếu vi phạm hợp đồng, vi phạm quy trình kỹ thuật.
Kiểm tra, thực tế hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu cấp ủy các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua tiếp tục chỉ đạo, rà soát, xử lý nhanh chóng, kịp thời ý kiến, kiến nghị, khiếu nại của người dân liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất, bố trí tái định cư; hoàn trả các hạng mục cầu vượt, đường gom dân sinh, mương, cống thoát nước bị ảnh hưởng dân sinh trong quá trình thi công dự án. Từ xã đến huyện phải rà soát căn cơ từng trường hợp phải chuyển đổi nghề do thu hồi đất GPMB, nắm chắc gia cảnh, hoàn cảnh để có biện pháp hỗ trợ kịp thời hiệu quả, nhất định phải làm cho nhân dân có công ăn, việc làm, thu nhập, đời sống tốt hơn; bản làng, thôn xóm, quê hương thêm giàu đẹp, văn minh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo chính quyền các địa phương phải đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, quản lý sử dụng hiệu quả bền vững quỹ đất được mở ra hai bên tuyến đường với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn nhằm tạo ra lợi thế để thu hút các dự án phát triển sản xuất, dịch vụ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và càng không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước. Đối với diện tích rừng ngập mặn dọc 2 bên tuyến đường phải bảo vệ nghiêm ngặt và có kế hoạch trồng bổ sung, phát triển, làm giàu vốn rừng.