Quảng Ninh: Chủ động chế tạo các trang thiết bị phòng, chống COVID-19

Những sáng kiến, chế tạo vừa làm giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách, vừa giúp đơn vị, địa phương chủ động được trang thiết bị tại chỗ trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cán bộ y tế tiến hành đo thân nhiệt và kê khai y tế tại chốt kiểm soát COVID-19 cầu Vàng Chua, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Cán bộ y tế tiến hành đo thân nhiệt và kê khai y tế tại chốt kiểm soát COVID-19 cầu Vàng Chua, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Ngay từ khi xuất hiện dịch COVID-19, nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều sáng kiến, chủ động chế tạo các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Thầy và trò Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng (Uông Bí) đã nghiên cứu, sáng chế, lắp đặt thành công hàng chục máy phun dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt và buồng khử khuẩn toàn thân.

Toàn bộ các thiết bị này được nhà trường trao tặng các địa phương như thành phố Uông Bí, thị xã Quảng Yên, Đông Triều và một số sở, ngành của tỉnh Quảng Ninh.

Tính năng ưu việt chung của các thiết bị do nhà trường sản xuất là tính tự động hóa cao, điển hình như máy phun dung dịch sát khuẩn tự động, có hệ thống cảm biến hồng ngoại vật cản, khi người sử dụng đưa tay vào máy sẽ tự động phun một lượng vừa đủ hóa chất là cồn 70 độ một cách nhanh gọn, chính xác.

Thiết bị đo thân nhiệt không chạm là cảm biến nhận diện, tự động điều chỉnh vị trí đo theo từng hình thể.

Thông số đo được tự động tính toán trên cơ sở kết quả của 5 lần đo nhằm loại trừ sai số, đồng thời được tự động hiển thị trên màn hình của thiết bị cũng như cập nhật đến hệ thống máy tính giám sát bên ngoài.

Buồng khử khuẩn toàn thân là phun siêu âm, thông qua thiết bị cảm biến, dung dịch Anolyte - muối ion tự động phun phủ kín toàn thân.

Một số đơn vị sản xuất than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cũng chung tay vào cuộc, thiết kế các buồng khử khuẩn toàn thân phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị mình. Điển hình như Công ty Than Nam Mẫu, Công ty Than Hà Lầm, Công ty Than Mạo Khê.

Buồng khử khuẩn của các công ty ngành than đều có thiết kế nhỏ gọn, thông qua thiết bị cảm biến hồng ngoại để phun sương mịn dung dịch muối ion hóa dạng lỏng. Thiết bị này được nhiều đơn vị của tập đoàn sử dụng tại các trung tâm điều hành và các khai trường sản xuất.

Riêng Công ty Than Uông Bí đã áp dụng ngăn vách bàn ăn để bảo vệ công nhân. Các bàn ăn dành cho 4-5 người trước đây thì nay được ngăn bởi tấm nhựa cứng, có thể ngồi được 2 người và trong khoang riêng, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Sáng kiến này tuy đơn giản nhưng lại có tác dụng thiết thực, bởi với đặc thù của đơn vị sản xuất than, mỗi ngày có nhiều công nhân ăn uống tại chỗ.

Thiết bị buồng khử khuẩn toàn thân của Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí chế tạo có khác biệt hơn là sử dụng tia cực tím để khử khuẩn thay vì khử khuẩn bằng dung dịch hóa chất dạng lỏng. Giải pháp này vẫn đảm bảo hiệu quả khử khuẩn toàn thân, tuy nhiên không gây ẩm ướt.

Ngoài buồng khử khuẩn toàn thân, bệnh viện còn sáng chế màng chắn giọt bắn rất thiết thực, hữu ích cho nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh.

Đoàn viên thanh niên Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (thành phố Cẩm Phả) đã tự chế kính ngăn giọt bắn chỉ với chi phí 5.000 đồng/chiếc để góp phần đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế trong bệnh viện.

Sản phẩm được chế tạo từ các vật liệu đơn giản như bìa bóng kính, ruy băng, cúc bấm. Kính ngăn giọt bắn sau khi dùng có thể đem lau chùi, khử khuẩn để tái sử dụng.

Sản phẩm này có ưu điểm được tạo ra tại chỗ, vật liệu rẻ, dễ kiếm, dễ làm, giúp bệnh viện chủ động được khi cần số lượng nhiều vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Tại Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở Quảng Ninh), đội ngũ giảng viên và học sinh nhà trường cũng đã chế tạo hàng trăm tấm chắn giọt bắn để phòng, chống COVID-19. Mới đây, ngày 17/4, trường đã tặng 700 sản phẩm tấm chắn giọt bắn cho Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí.

Ngoài ra, một số địa phương ở Quảng Ninh còn có các tổ, hội sản xuất khẩu trang cung cấp cho người dân.

Những sáng kiến, chế tạo trên vừa làm giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách, vừa giúp đơn vị, địa phương chủ động được trang thiết bị tại chỗ trong phòng, chống dịch, qua đó góp phần tích cực trong cuộc chiến toàn dân đẩy lùi dịch COVID-19./.

Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quang-ninh-chu-dong-che-tao-cac-trang-thiet-bi-phong-chong-covid19/635946.vnp