Quảng Ninh chủ động công tác PCCC tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng
Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong hoạt động lễ hội gắn liền với văn hóa tâm linh, nơi có những địa danh tôn giáo, tín ngưỡng nổi tiếng như quần thể Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí); chùa Long Tiên, chùa Lôi Âm (TP Hạ Long); đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) hay Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (huyện Vân Đồn)…
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 600 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, ngoài các địa danh nổi tiếng nêu trên, hệ thống các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng phân bố khắp địa bàn 13 địa phương trên toàn tỉnh.
Có thể nói, bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc… các cơ sở này đã góp phần hết sức quan trọng trong thu hút du lịch của tỉnh Quảng Ninh, là đểm đến của rất đông người dân và du khách thập phương, đặc biệt là mùa lễ hội đầu năm. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn về cháy nổ, bởi hoạt động lễ bái luôn phát sinh việc đốt nến, hương, vàng mã… mà nếu không quản lý tốt sẽ để lại hệ lụy khôn lường.
Bởi vậy, ngay trước mùa lễ hội năm nay (tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024), lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương trực thuộc, triển khai kiểm tra, hướng dẫn, thực hiện các phương án phòng ngừa cao độ tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về công tác PCCC&CNCH.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh đã cùng công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu, tăng cường kiểm tra an toàn PCCC, trang bị phương tiện, cách sắp xếp, bố trí các vật dụng, lối thoát hiểm, cách sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại các nơi thắp hương, hóa vàng mã...
Trung úy Trần Anh Tuấn – cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hạ Long cho biết, cùng với tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện lực lượng bảo vệ và BQL các di tích về các kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn PCCC, nhất là việc sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện.
Lực lượng công an cũng khuyến cáo các cơ sở thờ tự, điểm du lịch tâm linh cần quản lý chặt chẽ các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chính điện, nhà kho, bãi gửi xe... đặc biệt hạn chế việc thắp hương, hóa vàng. Đồng thời bố trí lực lượng thường trực trong thời điểm có đông du khách, sẵn sàng xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh.
Đánh giá về điều này, ông Nguyễn Duy Thanh – Trưởng BQL di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông cho biết, từ trước tết Nguyên đán, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Cẩm Phả đã phối hợp với BQL di tích tiến hành triển khai các phương án, trang bị phương tiện và tổ chức thực tập chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nhằm hoàn thiện hơn kiến thức, kỹ năng cho lực lượng tại chỗ.
Ông Nguyễn Duy Thanh cũng cho biết thêm, được sự hướng dẫn của Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Cẩm Phả, BQL di tích đã quy hoạch riêng các khu vực đốt tiền sớ, vàng mã xa nơi thờ cúng, đồng thời có chỉ dẫn rõ ràng mỗi du khách chỉ đốt 1 nén hương tại mỗi điểm trong di tích.
Theo nhận xét của lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh, việc đầu năm đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa truyền thống, nhu cầu tự nhiên có từ lâu đời của người Việt. Lực lượng Công an đóng vai trò quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT nói chung và công tác PCCC nói riêng, trong đó nòng cốt thuộc về trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH. Tuy nhiên, bản thân mỗi người dân, mỗi du khách cũng cần tự ý thức, chấp hành nghiêm các quy định tại nơi thờ tự, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã ở nơi đông người để phòng ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra.