Quảng Ninh chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học
Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục cũng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được các nhà trường, chính quyền các địa phương tại tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 438/638 nhà trường có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, gồm 355 trường tổ chức bếp ăn tập thể (tự nấu) và 83 trường ký hợp đồng với các cơ sở dịch vụ ăn uống cung cấp suất ăn. Đáng chú ý là tại một số trường hoặc điểm trường số lượng học sinh ít nên giáo viên thường tự nấu ăn cho học sinh, thực phẩm mua tại các chợ truyền thống nên khó truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, việc chế biến sớm, vận chuyển suất ăn từ cơ sở nấu hoặc từ điểm trường chính đến các điểm trường lẻ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì nhiệt độ, bảo quản thực phẩm,... đặc biệt vào mùa nắng nóng hay mưa bão...
Cô giáo Lê Thị Sinh Hồng, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Khẩu, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn trưa của học sinh cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển; kiểm thực 3 bước (kiểm tra trước khi chế biến thức ăn, kiểm tra trong quá trình chế biến thức ăn và kiểm tra trước khi ăn).
“Đơn vị cung cấp suất ăn bao giờ cũng xây dựng trước thực đơn 1 tuần để nhà trường, phụ huynh tham khảo, thống nhất đảm bảo đủ dinh dưỡng, đủ khẩu phần. Chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra đột xuất cùng với phụ huynh về công tác nhập thực phẩm, khâu chế biến. Nhà bếp của trường cũng tiến hành lưu mẫu thức ăn trong 24h, có tủ lưu mẫu riêng đúng theo quy định của Sở Y tế. Qua thời gian thì các phụ huynh cũng rất phấn khởi, và có nhiều cháu đến trường với niềm vui là ăn cơm ở trường rất là ngon", cô Hồng nói.
Ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại các bếp ăn tập thể trong trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn... để kịp thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
“Ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục, Sở Công thương và các địa phương, các nhà trường trong công tác đảm bảo ATVSTP. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức thực hành đảm bảo ATTP cho đối tượng là người sản xuất, chế biến, kinh doanh, học sinh và phụ huynh; Tuyệt đối không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không đảm bảo an toàn vệ sinh", ông Nhuận cho biết.